Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Vẹo vách ngăn mũi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Vẹo vách ngăn mũi là một tình trạng khá phổ biến có thể ảnh hưởng đến quá trình hô hấp và chất lượng cuộc sống của nhiều người. Tình trạng này gây ra các triệu chứng khó chịu như tắc nghẽn mũi, chảy máu cam, và khó thở khi ngủ. Hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, và các phương pháp điều trị sẽ giúp bạn có cái nhìn đúng đắn và có biện pháp xử lý hiệu quả. Bài viết này sẽ cung cấp thông tin giúp bạn đọc nắm bắt rõ hơn về vẹo vách ngăn mũi và cách điều trị tốt nhất.
Tổng quan chung: Vẹo vách ngăn mũi là gì?
- Vẹo vách ngăn mũi là hiện tượng vách ngăn giữa hai khoang mũi bị lệch sang một bên, dẫn đến việc một bên khoang mũi hẹp hơn bên kia. Vách ngăn mũi bao gồm phần xương phía sau và phần sụn phía trước. Khi vách ngăn bị vẹo, nó gây ra khó khăn trong quá trình hít thở và có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác
Triệu chứng
Vẹo vách ngăn có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau đây:
- Tắc nghẽn một hoặc cả hai lỗ mũi: Gây khó thở qua lỗ mũi, bạn có thể cảm nhận thấy điều này khi bị cảm lạnh (nhiễm trùng đường hô hấp trên) hoặc dị ứng có thể khiến mũi của bạn bị sưng và hẹp.
- Chảy máu cam: Bề mặt của vách ngăn mũi có thể bị khô, làm tăng nguy cơ chảy máu cam.
- Thở to tiếng khi ngủ: Vách ngăn lệch hoặc sưng các mô bên trong mũi có thể là một trong nhiều lý do khiến cho bạn thở phát ra tiếng khi ngủ.
- Ưu tiên cho việc ngủ nghiêng về một bên: Một số người thích ngủ nghiêng một bên để dễ dàng thở bằng mũi vào ban đêm nếu đường mũi bị hẹp.
Nguyên nhân
- Bẩm sinh: Một số trường hợp lệch vách ngăn xảy ra trong quá trình mẹ mang thai, bào thai phát triển và biểu hiện rõ rệt khi bé được sinh ra đời.
- Tổn thương mũi
- Một số chấn thương có thể khiến vách ngăn mũi di chuyển ra khỏi vị trí ban đầu. Ở trẻ sơ sinh, chấn thương này thường xảy ra trong quá trình sinh nở. Ở trẻ em và người lớn, một loạt các tai nạn có thể dẫn đến chấn thương mũi và lệch vách ngăn. Bị đánh vào mũi có thể gây gãy xương chính mũi kèm theo biến dạng vách ngăn mũi.
- Các yếu tố làm tăng nguy cơ lệch vách ngăn mũi như: Chấn thương thể thao, không thắt dây an toàn khi lái các phương tiện cơ giới như xe ô tô.
- Do lão hóa: Sự lão hóa bình thường của cơ thể người cũng có thể làm thay đổi cấu trúc của mũi và vách ngăn mũi bị vẹo sang một bên theo thời gian dài.
- Do viêm nhiễm: Tình trạng viêm mạn tính vùng mũi, viêm mũi dị ứng, viêm xoang khiến người bệnh khó chịu. Động tác quẹt mũi thường xuyên do viêm mũi khi còn nhỏ, lúc vách ngăn chưa phát triển hoàn chỉnh có thể làm thay đổi cấu trúc vách ngăn dẫn tới tình trạng vẹo vách ngăn mũi.
- Do phẫu thuật chỉnh hình nâng mũi thất bại: Nhiều phẫu thuật làm đẹp như nâng mũi, thu hẹp cánh mũi thất bại cũng đẩy mũi lệch sang một bên.
Đối tượng tố nguy cơ
- Người bị tai nạn chấn thương vùng mũi
- Người phẫu thuật chỉnh hình vùng mũi gặp sự cố
- Hay quẹt mũi lúc nhỏ khi vách ngăn chưa phát triển
- Người có khối u trong xoang mũi có thể đẩy hoặc làm biến dạng vách ngăn mũi..
Chẩn đoán
Để có thể chẩn đoán chính xác mức độ lệch vách ngăn mũi, các bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác bệnh sử của người gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, lệch vách ngăn có thể thấy rõ khi nội soi mũi xoang và chụp phim khảo sát vùng mũi xoang:
- Sử dụng dụng cụ nội soi tai-mũi-họng để quan sát toàn bộ vách ngăn mũi.
- Chụp X-quang vùng mặt: Khi chụp X-quang vùng mặt sẽ giúp bác sĩ biết được tình trạng lệch vách ngăn phần xương.
- Chụp CT mũi xoang: Phương pháp chụp này sẽ có những hình ảnh chi tiết giúp bác sĩ đánh giá được toàn bộ vách ngăn, đồng thời khảo sát tình trạng viêm xoang hoặc các bệnh lý mũi xoang khác kèm theo.
Phòng ngừa bệnh
Để có thể phòng ngừa tình trạng vẹo vách ngăn mũi, bạn có thể tuân thủ một số biện pháp sau đây theo lời khuyên từ các bác sĩ và chuyên gia:
- Hạn chế chấn thương mũi: Bạn nên đội mũ bảo hiểm hoặc mặt nạ bảo hiểm khi tham gia các môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền, bóng chày và nên đeo dây an toàn khi tham gia đi xe ô tô.
- Hạn chế chấn thương giai đoạn sinh nở: Giai đoạn sinh nở cũng dễ gây nên hiện tượng vẹo vách ngăn mũi, thể nên khi sinh nở các bác sĩ đỡ đẻ nên cẩn thận trong việc đỡ để tránh bị dị dạng mũi sau sinh.
Điều trị như thế nào?
Lệch vách ngăn mũi mức độ nhẹ không cần điều trị, tuy nhiên nếu có các triệu chứng như nghẹt mũi, chảy máu mũi, viêm xoang thì người bệnh cần đến bệnh viện để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời. Hiện tại không có thuốc nào điều trị cho vách ngăn thẳng lại. Đa số trường hợp lệch vách ngăn ảnh hưởng chức năng mũi xoang, gây ngủ ngáy, thường xuyên chảy máu điểm mạch mũi thì cần can thiệp phẫu thuật.
Điều trị bằng thuốc
- Điều trị bằng thuốc chủ yếu giải quyết giảm triệu chứng nghẹt mũi do phù nề niêm mạc, viêm mũi xoang, viêm mũi dị ứng.
- Thuốc nhỏ mũi co mạch: Tác dụng thuốc làm giảm sưng mô mũi, giúp đường thở ở cả hai bên cánh mũi thông thoáng.
- Thuốc xịt mũi chứa corticosteroid: Nhóm thuốc xịt mũi có thể làm giảm sưng tấy bên trong đường thở, hạn chế chảy dịch mũi.
- Thuốc kháng histamin: Thuốc giúp ngăn ngừa các triệu chứng dị ứng, bao gồm nghẹt mũi và sổ mũi.
Can thiệp phẫu thuật
Phẫu thuật chỉnh hình vách ngăn: Khi điều trị nội khoa không hiệu quả, phẫu thuật là phương pháp tối ưu.
Bệnh nhân nên tránh các hoạt động chạy nhảy trong 1 tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân có thể đi làm, đi học lại trong vòng 2 đến 3 ngày sau mổ nếu cảm thấy sẵn sàng
Kết luận
Vẹo vách ngăn mũi không phải là một tình trạng hiếm gặp và có thể gây ra nhiều phiền toái nếu không được điều trị kịp thời. Việc hiểu rõ các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp chẩn đoán, điều trị sẽ giúp bạn có biện pháp phù hợp để cải thiện tình trạng sức khỏe của mình. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải các triệu chứng của vẹo vách ngăn mũi, hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng để được tư vấn và điều trị sớm nhất. Chăm sóc sức khỏe mũi họng không chỉ giúp cải thiện khả năng hô hấp mà còn nâng cao chất lượng cuộc sống hàng ngày của bạn.