Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm da do ánh nắng là gì? Triệu chứng, nguyên nhân và cách điều trị
Viêm da do ánh nắng (còn được gọi là cháy nắng) là phản ứng dị ứng gây mẩn đỏ, ngứa rát, phồng rộp ở da… khi tiếp xúc với quá nhiều ánh nắng hoặc tia tử ngoại UV. Viêm da do ánh nắng có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về da khác như khô da, da lão hóa nhanh, xuất hiện đốm đen, đốm tho trên da hay thậm chí là ung thư da. Hãy cùng Pharmacity tìm hiểu về Viêm da do ánh nắng qua bài viết dưới đây.
Tổng quan chung
Viêm da do ánh nắng, hay thường được gọi là cháy nắng, là chứng mẫn đỏ gây ngứa rát, có vảy, phồng rộp ở da (vết cháy nắng) khi tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng hoặc tia cực tím. Vết cháy nắng thường mất vài ngày hoặc lâu hơn để mờ dần.
Viêm da do ánh nắng có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh về da khác như khô da hoặc da có nếp nhăn, xuất hiện đốm đen, đốm thô và ung thư da.
Bạn có thể ngăn ngừa viêm da do ánh nắng bằng cách mặc thêm áo hoặc thoa kem chống nắng khi ra khỏi nhà.
Triệu chứng
Các triệu chứng viêm da do ánh nắng mặt trời bao gồm:
- Da bị đỏ và khô
- Dị ứng, phát ban
- Bỏng rát
- Phồng rộp
- Ngứa khắp người.
Thậm chí có người tay chân nổi mụn đỏ, rát gây khó chịu và dễ nhầm lẫn với thủy đậu, bệnh tay chân miệng. Ngoài ra người bệnh cũng có thể bị các triệu chứng say nắng như:
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Sốt
- Mất nước
- Ớn lạnh.
Nếu để lâu không chữa trị, người bệnh có thể vì ngứa rát mà gãi lên vùng da bị dị ứng, khiến da dày lên và có sẹo, đồng thời gia tăng nguy cơ mắc ung thư da.
Nên đến thăm khám và gặp bác sĩ nếu thấy các dấu hiệu:
- Tình trạng rám nắng ở da hình thành các vết phồng rộp, bao phủ một phần diện tích lớn ở cơ thể, gây cảm giác đau rát
- Sưng mặt
- Sốt và ớn lạnh
- Khó chịu ở dạ dày
- Chóng mặt, đau đầu, lú lẫn
- Các triệu chứng của tình trạng mất nước.
Nguyên nhân gây viêm da do ánh nắng
Viêm da do ánh nắng xảy ra khi bạn tiếp xúc với tia tử ngoại vượt quá khả năng bảo vệ của sắc tố melanin trong cơ thể. Tùy vào lượng sắc tố này mà mức độ chịu đựng tia tử ngoại của mỗi người là khác nhau. Một người có nước da sáng có thể bị viêm da do ánh nắng chỉ sau 15 phút tiếp xúc với ánh nắng giữa trưa, trong khi một người da sậm màu thì có thể chịu được đến vài giờ.
Ngoài ra, có một số người có thể có đặc tính nhạy cảm hơn với ánh nắng. Đặc tính này có thể do yếu tố di truyền hoặc do một số chất hóa học có trong thuốc, hóa mỹ phẩm hay thức ăn. Một số bệnh lý sẵn có về da như lupus ban đỏ và chàm cũng có thể khiến cho làn da trở nên nhạy cảm với ánh nắng.
Các nghiên cứu đều cho thấy chính tia cực tím trong ánh nắng mặt trời là nguyên nhân gây dị ứng, viêm da do ánh nắng. Khi tia cực tím xuyên qua da sẽ gây tổn thương tế bào và dần biến đổi tính chất của một số protein trong tế bào, biến chúng trở thành “protein lạ” hay là các kháng nguyên đối với cơ thể. Từ đó kích hoạt cơ chế bảo vệ của hệ miễn dịch và phản ứng dị ứng xảy ra.
Đối tượng nguy cơ
Bất kỳ trường hợp nào tiếp xúc trực tiếp với tia tử ngoại (UV) đều có nguy cơ bị dị ứng ánh nắng mặt trời. Nếu da càng có ít sắc tố melanin thì càng dễ bị tác động bởi tia tử ngoại, do vậy một số đối tượng dễ có khả năng mắc phải viêm da do ánh nắng bao gồm:
- Người có làn da trắng xanh hoặc nâu nhẹ;
- Người có nhiều tàn nhang hoặc có tóc màu đỏ hoặc vàng nhạt;
- Người thỉnh thoảng mới tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt.
Ngoài ra, cũng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm da do ánh nắng như:
- Chủng tộc: bất kỳ người nào cũng có thể bị dị ứng ánh nắng mặt trời, nhưng chứng viêm da do ánh nắng lại xuất hiện phổ biến nhất ở những người thuộc một số chủng tộc (ví dụ như người da trắng).
- Tiền sử tiếp xúc với một số chất: nếu da bạn tiếp xúc với một số chất (mỹ phẩm, nước hoa, chất sát khuẩn…) sau đó tiếp xúc ánh nắng mặt trời thì khả năng có các dấu hiệu viêm da, dị ứng sẽ cao hơn.
- Sử dụng một số loại thuốc đặc thù có thể làm cho da bị cháy nắng nhanh hơn. Có thể kể đến thuốc chống viêm giảm đau như Ketoprofen, kháng sinh nhóm Tetracyclin, thuốc có chứa Sulfa…
- Đang mắc bệnh lý khác về da: việc mắc chứng viêm da cơ địa hoặc các bệnh lý về da khác sẽ làm tăng nguy cơ bị viêm da do ánh nắng.
- Có người thân trong gia đình bị viêm da do ánh nắng. Nếu có anh chị em ruột hoặc cha mẹ đẻ dễ bị viêm da do ánh nắng, bạn sẽ tăng nguy cơ mắc chứng bệnh này.
Chẩn đoán
Để chẩn đoán viêm da do ánh nắng, bác sĩ sẽ dựa trên kết quả khám lâm sàng da và hỏi bệnh nhân về triệu chứng và tiền sử tiếp xúc với ánh nắng. Bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các loại thuốc người bệnh đang sử dụng, hỏi về các loại thực phẩm mới bạn đang dùng để tìm nguyên nhân khiến bạn nhạy cảm, dị ứng ánh nắng mặt trời.
Phòng ngừa bệnh
Để phòng tránh viêm da do ánh nắng mặt trời, bạn có thể tham khảo các cách:
- Giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng: mặc thêm áo tay dài, nón hoặc thoa kem chống nắng trước khi ra khỏi nhà.
- Tránh sử dụng các thuốc và mỹ phẩm dưỡng da không có nguồn gốc rõ ràng vì chúng có thể chứa các thành phần gây nhạy cảm.
- Dùng thuốc được bác sĩ chỉ định: Đặc biệt tránh tiếp xúc với tia tử ngoại UV càng nhiều càng tốt nếu đang sử dụng các loại thuốc như kháng sinh Tetracyclin, thuốc Sulfa và thuốc lợi tiểu vì những thuốc này khiến cho da nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời.
- Nếu có nhu cầu sử dụng thiết bị tắm nắng, nên tham khảo ý kiến tư vấn từ bác sĩ.
- Liên hệ với bác sĩ nếu thấy triệu chứng bị sốt, mất nước hoặc việc phòng tránh không có tác dụng.
Điều trị như thế nào?
Để điều trị viêm da do ánh nắng, bác sĩ sẽ đề xuất các giải pháp:
- Chỉ định dùng thuốc nhóm corticoid dạng bôi ngoài da và uống.
- Dùng thuốc kháng histamin khi đã có triệu chứng.
- Sử dụng đèn chiếu tia cực tím vào vùng da có nguy cơ tiếp xúc nhiều với ánh nắng để giúp da thích nghi với ánh nắng mặt trời.
Đối với việc chăm sóc tại nhà, bạn có thể:
- Tắm bằng nước mát và lau nhẹ chỗ viêm da bằng khăn ướt.
- Thay băng khô để ngăn ngừa nhiễm trùng nếu thấy có mụn nước. Nếu da bị phồng rộp hoặc viêm có thể dùng kem cortisone hoặc các kem dưỡng ẩm dịu nhẹ theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm bớt khó chịu.
- Một số thuốc như Ibuprofen hoặc Acetaminophen có thể giảm đau do viêm da (lưu ý không được dùng Aspirin cho trẻ em).
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời và các chất gây ra chứng viêm da do ánh nắng. Nếu không thể giảm tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thì nên thoa kem chống nắng có tác dụng chống tia tử ngoại A (UVA) và tia tử ngoại B (UVB) có chỉ số SPF tối thiểu 15 hoặc cao hơn.
Viêm da do ánh nắng mặt trời nếu không được điều trị sớm sẽ gây ảnh hưởng đến da và tính thẩm mỹ, thậm chí gia tăng nguy cơ ung thư da. Vì vậy, bạn nên đến cơ sở y tế khám sớm và điều trị
Trên đây là một số chia sẻ hữu ích về Viêm da do ánh nắng là gì? Hy vọng nó sẽ giúp ích cho bạn và gia đình trong mùa nắng nóng tới đây.