Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm gan C: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Viêm gan C thuộc loại bệnh viêm gan gây ra bởi virus, có thể lây truyền khi máu của người nhiễm virus viêm gan C xâm nhập vào cơ thể của người chưa bị nhiễm. Khoảng 70-80% những người bị viêm gan siêu vi C mà không có bất cứ biểu hiện nào.
Tổng quan chung
viêm gan C là gì?
Viêm gan C là một bệnh lý nhiễm trùng gan do virus HCV gây nên. Khi virus hoạt động, tế bào gan sẽ bị viêm, chức năng gan bị rối loạn, nếu không điều trị thì sẽ hình thành nên các tổn thương ở gan, tạo thành mô xơ. Lâu dài có thể dẫn tới tình trạng xơ gan, nguy hiểm hơn là ung thư gan.
Bệnh viêm gan C tồn tại ở hai dạng gồm:
- Thể cấp tính: Đây là tình trạng gan bị nhiễm trùng trong ngắn hạn, thường khoảng dưới 6 tháng từ lúc nhiễm virus. Trung bình khoảng 15 – 25% các ca bệnh bị nhiễm virus HCV và có thể tự khỏi mà không cần điều trị khi sức đề kháng khỏe mạnh.
- Mạn tính: Hầu hết các trường hợp bị viêm gan C cấp tính đều chuyển sang mạn tính nếu cơ thể không thể tự đào thải virus và không được điều trị đúng cách. Bệnh có thể kéo dài mãi mãi và khiến sức khỏe cũng như các chức năng gan bị suy giảm, gây nên hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, ung thư gan,…
Triệu chứng viêm gan C
Sau khi virus viêm gan C vào cơ thể, chúng có giai đoạn ủ bệnh khá dài (khoảng từ 6 – 8 tuần), tiếp sau giai đoạn này là thời kỳ khởi phát. Các trường hợp viêm gan C Phần lớn không có triệu chứng lâm sàng cho đến khi có biểu hiện xơ gan.
Tuy nhiên, ở giai đoạn viêm gan cấp tính, một số người bệnh có thể có những biểu hiện sau:
- Sốt nhẹ
- Buồn nôn hoặc nôn
- Mệt mỏi
- Chán ăn, ăn không ngon
- Vàng da
- Nước tiểu đậm
- Phân nhạt màu
- Đau bụng trên bên phải
- Đau khớp
Những triệu chứng trên đôi khi chỉ nhẹ, người bệnh không để ý nên dễ bỏ qua dù gan đang ở trong giai đoạn viêm rất nặng. Giai đoạn bệnh toàn phát có thể kéo dài khoảng 6 – 8 tuần rồi bệnh sẽ tự hết mà không cần điều trị. Tuy vậy, trường hợp khỏi chỉ chiếm 15 – 30% các trường hợp mắc bệnh. Số còn lại sẽ trở thành người lành mang virus viêm gan C (tức là sau 6 tháng cơ thể không đào thải được virus viêm gan C) hoặc chuyển thành người mắc viêm gan C mạn tính.
Nguyên nhân viêm gan C
Bệnh viêm gan C là do siêu vi viêm gan C (Hepatitis C Virus: HCV) gây ra. Virus viêm gan C có tính đa hình thái kiểu gen rất cao. Hiện giới y học đã xác định được 6 kiểu gen chính đánh số từ 1 đến 6. Kiểu gen HCV chủ yếu ở người bệnh tại Việt Nam là kiểu gen 1, tiếp theo lần lượt là kiểu gen 6, 2 và 3. Tùy thuộc vào kiểu gen virus mà các khuyến cáo điều trị sẽ khác nhau.
Đối tượng nguy cơ viêm gan C
Bất kỳ ai cũng có thể bị nhiễm virus HCV, nhưng một số nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, bao gồm:
- Người nhiễm HIV.
- Sử dụng ma túy qua đường tiêm chích.
- Sử dụng thuốc hoặc dung dịch tiêm tĩnh mạch.
- Chạy thận nhân tạo.
- Truyền máu hoặc cấy ghép nội tạng.
- Nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên phòng xét nghiệm).
- Trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm HCV.
- Quan hệ tình dục với người bị viêm gan C.
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Dùng chung vật dụng cá nhân bị dính máu nhiễm virus, ví dụ như dao cạo râu hay bàn chải đánh răng.
- Đi xăm, xỏ khuyên hoặc khám răng ở những cơ sở kém chất lượng, không đảm bảo an toàn.
Chẩn đoán viêm gan C
Để chẩn đoán bệnh viêm gan C mạn tính, biện pháp hiệu quả nhất là xét nghiệm máu, trong đó, các xét nghiệm cần được tiến hành bao gồm:
- Xét nghiệm anti-HCV và nồng độ RNA-HCV: Xét nghiệm anti-HCV là xét nghiệm để phát hiện kháng thể chống virus viêm gan C trong máu, trong khi xét nghiệm nồng độ RNA-HCV là xét nghiệm để đo tải lượng virus viêm gan C có trong máu
- Xét nghiệm xác định kiểu gen (genotype) của virus: để định hướng sử dụng thuốc kháng virus phù hợp
- Xét nghiệm men gan ALT, AST: ALT (Alanine transaminase) và AST (Aspartate transaminase) là các chỉ số men gan được sử dụng để đánh giá chức năng gan. Nồng độ các chất này tăng cao khi có tổn thương hoặc hoại tử tế bào gan
- Các xét nghiệm sinh hoá máu: công thức máu, albumin, bilirubin, ure, creatinin, đông máu
Phòng ngừa bệnh viêm gan C
Viêm gan siêu vi C hoàn toàn có thể phòng ngừa bằng cách tránh tiếp xúc với máu của người bị nhiễm bệnh. Một số phương pháp phòng ngừa lây nhiễm hiệu quả như sau:
- Tuyệt đối không dùng chung kim tiêm: Những người sử dụng ma túy qua đường tĩnh mạch có khả năng bị lây nhiễm viêm gan C rất cao vì tình trạng dùng chung bơm kim tiêm. Ngoài kim tiêm, HCV cũng có thể tồn tại trong các dụng cụ khác như ống hút, ống hít khi sử dụng ma túy trái phép.
- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc các chế phẩm từ máu: Những người làm trong ngành y tế, xét nghiệm cần cẩn thận để tránh tiếp xúc trực tiếp với máu của người bệnh. Các thiết bị và dụng cụ y tế sau khi sử dụng đều phải được vứt bỏ một cách an toàn hoặc tiệt trùng đúng cách để ngăn ngừa lây nhiễm bệnh viêm gan C.
- Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân: Không dùng chung các vật dụng như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, cắt móng tay và kéo để tránh bị dính máu và làm lây lan virus.
- Chọn tiệm xăm và xỏ khuyên cẩn thận: Lựa chọn tiệm xăm hình hoặc xỏ khuyên uy tín, có quy trình vệ sinh phù hợp sẽ giúp ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm.
- Quan hệ tình dục an toàn: Không quan hệ tình dục không bảo vệ với nhiều bạn tình hoặc với bất kỳ đối tác nào có tình trạng sức khỏe không đảm bảo..
Điều trị viêm gan C như thế nào?
Trước khi điều trị viêm gan C, các bác sĩ sẽ thực hiện một số xét nghiệm để xác định mức độ tổn thương gan, từ đó lên phác đồ điều trị cho phù hợp. Phương pháp điều trị viêm gan C được áp dụng hiện nay như sau:
Điều trị viêm gan C cấp tính
Mục tiêu của điều trị viêm gan C giai đoạn cấp tính chính là ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển thành mạn tính. Thực tế, một số người bệnh có khả năng tự sản sinh kháng thể chống lại virus viêm gan C, nhờ đó tự lành bệnh. Nhóm đối tượng này chỉ chiếm số ít. Bệnh nhân cần được thăm khám và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình điều trị bệnh cần kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống điều độ để tăng khả năng lành bệnh.
Điều trị viêm gan C mạn tính
Ở giai đoạn mạn tính, số lượng và mật độ virus viêm gan C đã tăng lên nhanh chóng, do vậy cần được điều trị dứt điểm bằng các loại thuốc kháng virus. Các loại thuốc trị viêm gan C thường được sử dụng bao gồm: interferon alpha, ritonavir, boceprevir, dasabuvir, ombitasvir, paritaprevir, ribavirin, simeprevir, sofosbuvir, daclatasvir,…
Danh sách các loại thuốc hiện được dùng điều trị viêm gan C có thể thay đổi theo thời gian, do tiến bộ khoa học và công nghệ.
Bên cạnh đó, việc duy trì một lối sống lành mạnh, quản lý tốt cân nặng, hạn chế tiếp xúc với các tác nhân độc hại cho gan như thuốc lá, rượu bia, chất kích thích, hóa chất… và khám sức khỏe định kỳ cũng là phương pháp giúp bạn bảo vệ lá gan, phát hiện sớm và điều trị kịp thời viêm gan C cũng như các bệnh về gan khác