Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Viêm giác mạc là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, phương pháp phòng ngừa
Viêm giác mạc là bệnh nguy hiểm, có thể để lại những di chứng nặng nề, ảnh hưởng trực tiếp đến thị lực của người bệnh. Vậy chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây để hiểu hơn về viêm giác mạc.
Tổng quan chung
Giác mạc là một mảnh mô mỏng trong suốt có hình vòm nằm phía trước nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi vào trong mắt, có nhiệm vụ bảo vệ mắt và góp phần vào hoạt động khúc xạ của mắt.
Vì là một lớp rất mỏng, lại là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, nên giác mạc rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus nấm xâm nhập, hoặc ký sinh trùng.
Khi giác mạc bị tổn thương sẽ dẫn đến các di chứng và biến chứng. Viêm giác mạc nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách có thể có nguy cơ gây mù lòa cao, chỉ sau bệnh đục thủy tinh thể và glocom.
Triệu chứng
Nếu bị viêm giác mạc, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng cơ bản như:
- Mắt bị đỏ, bị đau hoặc kích ứng khó chịu.
- Mắt bị vướng, cảm giác có sạn hoặc dị vật trong mắt.
- Mắt bị chảy dịch hoặc thường xuyên bị chảy nước mắt.
- Mí mắt nặng, không thể mở hoàn toàn do đau mắt.
- Khi gặp ánh sáng, thường bị chói, khó chịu.
- Mắt có nhiều ghèn, dử.
- Bị mờ mắt hoặc suy giảm thị lực, thậm chí có thể không nhìn thấy gì.
Nguyên nhân
Nguyên nhân viêm giác mạc hoặc viêm loét giác mạc có thể bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn.
- Nhiễm virus.
- Nhiễm nấm ( do dị vật thực vật trong mắt).
- Nhiễm ký sinh trùng.
- Vệ sinh và hoặc bảo quản kính tiếp xúc không đúng cách.
- Đeo kính tiếp xúc quá lâu.
- Chấn thương( trầy xước).
- Thiếu vitamin A( hiếm gặp).
Đối tượng nguy cơ
Một số đối tượng có nguy cơ bị viêm giác mạc là:
- Người đeo kính áp tròng: Đeo kính áp tròng quá lâu, không vệ sinh đúng cách.
- Người có tiền sử bệnh mắt: Những người đã từng mắc các bệnh về mắt.
- Người tiếp xúc với môi trường ô nhiễm: Làm việc trong môi trường nhiều bụi bẩn, hóa chất.
- Người có hệ miễn dịch yếu: Bệnh nhân HIV/AIDS, người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch.
Chẩn đoán
Viêm giác mạc được chẩn đoán chủ yếu thông qua các biểu hiện, triệu chứng lâm sàng.
Các bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra mắt với một dụng cụ đặc biệt gọi là đèn khe trên máy sinh hiển vi, cung cấp một nguồn sáng và độ phóng đại lớn cho phép bác sĩ nhìn thấy những tổn thương mờ và hình thái cũng như mức độ viêm giác mạc, và những tổn thương khác của mắt.
Ngoài ra, để xác định nguyên nhân gây bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm chuyên biệt từ dịch tiết kết mạc hoặc chất nạo từ bờ ổ loét.
Phòng ngừa bệnh
Một số biện pháp phòng bệnh viêm giác mạc là:
Sử dụng các biện pháp bảo hộ mắt khi làm việc trong môi trường nhiều khói, bụi,…
- Sử dụng kính mát khi di chuyển ngoài đường tránh bụi và dị vật bay vào mắt.
- Dùng kính bảo vệ mắt trong trường hợp bị hở mi.
- Điều trị dứt điểm các bệnh về mắt và bệnh toàn thân có nguy cơ gây viêm giác mạc.
- Không dùng tay dụi mắt, không tư sử dụng các vật dụng để lấy dị vật, không đắp các loại thuốc lá trực tiếp vào mắt.
- Cung cấp đủ vitamin A cho mắt và thường xuyên chớp mắt để tránh khô mắt.
- Chú ý khi sử dụng kính áp tròng vệ sinh trước và sau khi đeo kính.
Bệnh viêm giác mạc rất hay gặp và là một trong những nguyên nhân gây giảm thị lực, mù lòa. Chính vì những biến chứng do bệnh để lại nghiêm trọng nên người bệnh khi thấy các triệu chứng khó chịu ở mắt nên đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Điều trị như thế nào?
Với viêm giác mạc không lây nhiễm nhẹ, bác sĩ nhãn khoa có thể kê toa thuốc kháng sinh hoặc thuốc giảm đau cho bạn nếu bạn bị đau nhiều và tăng khả năng hồi phục nhanh chóng.
Trong một số trường hợp, người bệnh có thể cần đeo miếng che mắt để bảo vệ mắt trong quá trình hồi phục.
Nếu hội chứng khô mắt gây ra các triệu chứng viêm giác mạc, bác sĩ nhãn khoa sẽ thực hiện xét nghiệm nước mắt Schirmer. Một dải giấy nhỏ sẽ được đưa vào khóe mắt để đo độ ẩm.
Nếu bác sĩ xác nhận bạn mắc hội chứng khô mắt, cách điều trị sẽ tập trung vào việc dưỡng ẩm cho mắt để giảm các triệu chứng.
Thông thường, độ ẩm của mắt được cải thiện bằng cách sử dụng nước mắt nhân tạo và thuốc mỡ bôi trơn.
Điều trị viêm giác mạc truyền nhiễm, bác sĩ mắt sẽ tập trung vào việc kiểm soát nguyên nhân cơ bản của nhiễm trùng.
- Viêm giác mạc do vi khuẩn: Bác sĩ nhãn khoa sẽ kê toa thuốc nhỏ mắt kháng khuẩn cho những trường hợp viêm giác mạc do vi khuẩn nhẹ. Nếu bệnh nặng hơn có thể sẽ cần uống thuốc kháng sinh.
- Viêm giác mạc do nấm: Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng nấm đường uống và thuốc nhỏ mắt chống nấm.
- Viêm giác mạc do vi-rút: Bác sĩ sẽ thử dùng thuốc nhỏ mắt kháng vi-rút và thuốc uống kháng vi-rút. Trong một số trường hợp, virus có thể cứng đầu và dễ tái phát, cần điều trị lâu hơn.
- Viêm giác mạc do Acanthamoeba: Đây là tình trạng nghiêm trọng vì có thể bị mất thị lực, bác sĩ sẽ kê các đơn thuốc kháng sinh để nhỏ mắt và các biện pháp điều trị tuỳ vào tình trạng người bệnh.
Một số trường hợp người bệnh viêm giác mạc do nhiễm trùng có khả năng kháng nhiều dạng thuốc. Nếu mắt của bạn bị tổn thương vĩnh viễn, bác sĩ nhãn khoa có thể sẽ khuyên bạn nên ghép giác mạc.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về viêm giác mạc.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.