Nguyên nhân chảy máu cam ở người lớn
Chảy máu cam hay còn gọi chảy máu mũi. Đây là một trong những hiện tượng thường gặp khi các mao mạch bên trong mũi bị tổn thương. Chảy máu cam là tình trạng phổ biến đối với trẻ nhỏ lẫn người lớn. Vậy nguyên nhân chảy máu cam ở người lớn là gì? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Nguyên nhân gây chảy máu cam ở người lớn
Chấn thương mũi
Chấn thương hoặc gãy xương mũi ở phần đầu có thể dẫn đến chảy máu mũi. Nếu tình trạng chảy máu mũi do chấn thương đầu gây ra, bạn cần đi khám ngay lập tức.
Stress và lo lắng
Một trong những yếu tố gây chảy máu cam ở người lớn là do mệt mỏi, căng thẳng và suy nghĩ nhiều. Theo hiệp hội lo âu và trầm cảm Hoa Kỳ (ADAA) ước tính rằng: ở Mỹ có hơn 40 triệu người trưởng thành mắc chứng rối loạn lo âu. Đây cũng là những đối tượng có nhiều nguy cơ bị chảy máu mũi mạn tính, chảy máu đột ngột và chảy máu tái phát.
Độ ẩm không khí thấp
Nếu ở trong môi trường khô lạnh có thể gây kích ứng và làm khô màng nhầy mũi. Điều này có thể gây ngứa và chảy máu khi bạn ngoáy mũi. Nếu bạn bị cảm lạnh vào mùa đông, không khí khô kết hợp với việc xì mũi liên tục sẽ dễ gây ra chảy máu cam.
Nhức đầu, ngoáy mũi hoặc xì mũi mạnh
Nhức đầu do căng thẳng, nghĩ ngợi nhiều có thể dẫn đến hoặc đi kèm với chảy máu mũi. Ngoài ra, một số người có xu hướng hay xì mũi mạnh, ngoáy mũi thường xuyên cũng chính nguyên nhân có thể gây chảy máu cam.
Tăng huyết áp
Tăng huyết áp là yếu tố kích thích chảy máu cam và có thể khiến lượng máu chảy ra nhiều hơn ở mỗi lần. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị huyết áp cao cũng có chứa thành phần làm loãng máu khiến tình trạng chảy máu mũi càng trở nên khó kiểm soát hơn.
Chế độ ăn uống
Một vài loại thực phẩm cay nóng như: kim chi, ớt, đồ chiên dầu mỡ, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá… cũng có thể gây chảy máu cam.
Thời tiết
Chảy máu cam ở người lớn cũng thường xuất hiện vào những ngày thời tiết thay đổi đột ngột, quá lạnh hoặc quá nóng nhất là vào mùa đông hanh khô.
Tác động của chảy máu cam đối với sức khỏe
Theo cảnh báo của nhiều chuyên gia, chảy máu mũi thường xuyên, không thể tự cầm máu được hoặc mất thời gian rất lâu, đặc biệt là khi chảy máu mũi sau thì không nên chủ quan bởi đây có thể là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm như:
Bệnh lý về máu
Chảy máu cam thường xuyên có thể do các bệnh lý rối loạn về máu như:
- Rối loạn chức năng đông máu do xuất huyết, thiếu Vitamin K,…
- Ban xuất huyết do nhiễm khuẩn hoặc do thuốc.
- Bệnh lý gây thay đổi số lượng tiểu cầu, rối loạn chức năng của máu.
Viêm mũi
Một số bệnh gây viêm nhiễm khoang mũi như viêm mũi, viêm xoang,… cũng có thể dẫn đến chảy máu mũi. Tuy nhiên hầu hết trường hợp đều không gây chảy máu mũi nhiều, song nếu kéo dài thì cần lưu ý để điều trị.
Vẹo vách ngăn mũi
Vẹo vách ngăn mũi là tình trạng biến dạng khiến lượng không khí trao đổi qua mũi bị thay đổi, khiến niêm mạc mũi dễ bị khô và chảy máu hơn. Nếu chảy máu cam thường xuyên do nguyên nhân này, nên khám và điều trị sớm tránh chảy máu cam nghiêm trọng và ảnh hưởng đến hoạt động hít thở hàng ngày.
Sốt truyền nhiễm cấp tính
Chảy máu cam liên tục nhiều lần trong thời gian ngắn đi kèm với triệu chứng sốt, ớn lạnh,… cần cẩn thận với các bệnh sốt truyền nhiễm cấp tính như: sốt tinh hồng nhiệt, sởi, sốt rét, sốt xuất huyết,… Tình trạng xuất huyết có thể xảy ra ở nhiều vị trí khác ngoài mũi gây ra biến chứng nghiêm trọng nên cần đi khám và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.
U lành tính trong mũi
Chảy máu mũi có thể là biểu hiện của bệnh u lành tính trong vòm mũi, vòm họng hoặc khi khối u xâm lấn dây thần kinh vận nhãn. Các triệu chứng đi kèm gồm: thể trạng yếu, da dẻ xanh xao, mờ mắt, nổi u cục bất thường hoặc biến dạng mũi,…
Với chảy máu mũi do nguyên nhân này, bệnh nhân cần đi khám và điều trị sớm, thông thường bác sĩ sẽ chỉ định mổ loại bỏ u lành tính. U lành tính vẫn có nguy cơ phát triển thành ác tính và ung thư nên không nên chủ quan.
U ác tính
Không loại trừ nguyên nhân chảy máu cam kéo dài do u ác tính, phổ biến là bệnh ung thư vòm họng. Ở những trường hợp này, người bệnh thường có triệu chứng khác như: lở loét, viêm nhiễm trong mũi và khoang họng, thường xuyên bị viêm mũi, sức khỏe suy giảm, cơ thể gầy sút,…
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ trên, nên đi khám để nội soi chẩn đoán sớm. Nếu do u xơ ác tính, bệnh nhân cần được điều trị để tránh u ác tính phát triển gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Điều trị chảy máu cam ở người lớn
Các bước sơ cứu ban đầu
Tình trạng chảy máu cam không quá nguy hiểm nhưng lại khiến bản thân và những người xung quanh cảm thấy hoang mang, sợ hãi. Việc áp dụng những bước xử lý đúng cách dưới đây có thể giúp giảm bớt sự lo lắng khi một người bị chảy máu mũi.
Bất kể chảy máu cam là do nguyên nhân gì, phương pháp sơ cứu chảy máu cam ban đầu cũng đều tuân thủ 3 bước như sau:
- Bước 1: Ngồi thẳng.
- Bước 2: Hơi nghiêng đầu về phía trước.
- Bước 3: Bóp mũi lại và thở từ từ bằng miệng trong khoảng 10 phút cho đến khi máu chảy chậm lại hoặc ngừng hẳn.
Khi máu có dấu hiệu chảy chậm lại, cần uống một ít nước để tránh cơ thể bị mất nước. Nếu được, nên nghỉ ngơi trong phòng có máy phun sương tạo ẩm hoặc ở những nơi mà không khí không quá hanh khô.
Lưu ý khi bị chảy máu cam do căng thẳng
Nếu chảy máu cam ở người lớn mà nguyên nhân bắt nguồn từ sự căng thẳng, bệnh nhân cần lưu ý:
- Cố gắng thư giãn và thở đều.
- Trong thời gian chờ cho máu ngưng chảy, nên chú ý đến độ sâu của mỗi nhịp thở và chuyển động lên xuống của lồng ngực khi hô hấp.
- Tránh các tình huống gây căng thẳng trong cuộc sống để điều trị chảy máu cam hiệu quả.
- Nên đến nơi yên tĩnh và vắng vẻ khi xuất hiện tình trạng chảy máu cam.
Mọi người thường có xu hướng phản ứng mạnh mẽ khi nhìn thấy máu, do đó các bác sĩ khuyên bệnh nhân nên tìm một nơi lý tưởng trong thời gian đợi máu ngưng chảy. Khi ở một mình hoặc chỉ cùng với một người thân thiết, việc trấn an tinh thần cũng như lấy lại bình tĩnh về mặt cảm xúc và suy nghĩ cũng sẽ dễ dàng hơn.
Chảy máu cam khi nào đi gặp bác sĩ?
Nếu bạn gặp phải các trường hợp sau đây, bạn cần đến bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời
- Sau 20 phút máu mũi không ngừng chảy
- Chảy máu mũi do chấn thương vùng đầu, tai nạn, dập mũi, gãy mũi
- Bị biến dạng mũi sau cuộc phẫu thuật nâng mũi không thành công
- Thường xuyên chảy máu cam, ra nhiều và ồ ạt
- Sốt, nhiều khi ớn lạnh, đau mũi kèm khó thở
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.