Nguyên nhân phổ biến mắc bệnh tay chân miệng là gì?
Tay chân miệng là bệnh nhiễm trùng do vi rút, thường gặp ở trẻ nhỏ. Đa số các trường hợp mắc bệnh thường tự khỏi, không đe dọa nhiều đến sức khỏe. Tuy nhiên, bệnh có thể gây biến chứng. Cùng tìm hiểu về nguyên nhân và triệu chứng của bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là gì ?
Tay chân miệng (HFMD- Hand, foot and mouth disease) là bệnh truyền nhiễm được lây từ người sang người dẫn đến dịch tay chân miệng do virus đường ruột gây ra, đặc trưng bởi tình trạng sốt và sự xuất hiện của các nốt mụn nước, điển hình ở lòng bàn chân, tay và vòm miệng.
Bệnh thường gặp ở trẻ nhũ nhi và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, một số ít ở người trưởng thành. Bệnh thường xảy ra quanh năm, nhưng bùng phát cao điểm là khoảng tháng 2 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12
Bệnh chân tay miệng lây chủ yếu theo đường tiêu hoá từ nước bọt, phỏng nước và phân của trẻ nhiễm bệnh. Do vậy, các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo, nơi trẻ chơi tập trung là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, dễ phát thành các ổ dịch.
Biểu hiện của bệnh tay chân miệng
Triệu chứng lâm sàng:
- Khởi phát: trong vòng 1 đến 2 ngày với triệu chứng sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy
- Giai đoạn toàn phát: Kéo dài 3-10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh như
- Loét miệng: Xuất hiện các vết loét đỏ hay phỏng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi, đau miệng. Đây là nguyên nhân dẫn đến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt, trẻ quấy khóc.
- Phát ban trên da dạng phỏng nước: Vị trí xuất hiện ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông tồn tại khoảng 1 tuần, sau đó sẽ để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm.
- Biểu hiện toàn thân như: Sốt nhẹ, nôn, nếu sốt cao cần chú ý các biến chứng dễ xảy ra.
- Giai đoạn lui bệnh: Thường từ 3-5 ngày sau, trẻ hồi phục hoàn toàn nếu không có biến chứng.
Nguyên nhân mắc bệnh tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng là do virus thuộc họ virus đường ruột, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71).
Trong đó, virus Coxsackievirus A16 là loại thường gặp nhất với các triệu chứng ở thể nhẹ, ít biến chứng và thường tự khỏi. Enterovirus 71 gây bệnh nặng hơn, biến chứng nguy hiểm hơn, thậm chí có thể gây tử vong.
Các virus này sống trong đường tiêu hóa và lây từ người này sang người khác qua việc tiếp xúc với các dịch tiết từ mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bọng nước hoặc phân của người bệnh.
Đối tượng dễ mắc tay chân miệng là trẻ em dưới 5 tuổi vì hệ miễn dịch của bé chưa được hoàn thiện
Trẻ lớn hơn và người lớn cũng là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh nhưng tỷ lệ sẽ thấp hơn đáng kể.
Bệnh tay chân miệng là một căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, do virus đường ruột Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 gây ra. Bệnh thường có biểu hiện như sốt nhẹ, loét miệng và phát ban trên tay, chân. Mặc dù hầu hết các trường hợp tự khỏi và không gây nguy hiểm đến sức khỏe, nhưng có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe cho trẻ em là rất quan trọng để giảm thiểu sự lây lan của bệnh và đảm bảo sức khỏe của cộng đồng. Nếu có dấu hiệu các triệu chứng trên hãy gặp bác sĩ của bạn để được thăm khám và điều trị.