Các phương pháp giúp giảm acid uric
Giảm mức acid uric trong cơ thể có thể giúp kiểm soát và ngăn chặn các triệu chứng của các vấn đề sức khỏe liên quan đến tăng axit uric đặc biệt là trong bệnh Gout. Cùng tìm hiểu các phương pháp giúp giảm acid uric ở bài viết dưới đây.
Các phương pháp tự nhiên giúp giảm acid uric
Hạn chế thực phẩm giàu purin
Purin là một loại hợp chất hữu cơ tự nhiên được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm như thịt gia súc / gia cầm, thủy hải sản, nội tạng động vật, ngũ cốc, các loại đậu và hạt. Khi purin được cơ thể hấp thụ, gan sẽ chuyển hóa chúng thành axit uric (UA). Sau đó, thận sẽ lọc và đào thải UA ra khỏi cơ thể thông qua hệ bài tiết.
Vì thế, khi cơ thể sản xuất quá nhiều UA hoặc thận không thể loại bỏ UA kịp thời, nồng độ UA trong máu có thể tăng cao. Lúc này, các tinh thể muối của axit uric (sodium urat) sẽ hình thành, bám trong các khớp, gây viêm khớp (bệnh gout).
Tránh đồ uống có đường
Nghiên cứu cho thấy, tiêu thụ nhiều đường fructose – một loại đường đơn có trong nhiều thực phẩm và đồ uống ngọt, có thể kích thích gan sản xuất thêm axit uric. Vì thế, tiêu thụ thực phẩm giàu đường fructose có thể làm nồng độ axit uric trong máu có thể tăng lên.
Mặt khác, một vài nghiên cứu còn chỉ rõ, tiêu thụ đường và các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao có thể làm tăng nồng độ insulin trong máu. Sự hiện diện quá mức của insulin có thể làm giảm khả năng bài tiết axit uric của thận và thúc đẩy tăng axit máu.
Ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C
Nghiên cứu cho thấy, bổ sung vitamin C giúp bạn hạ thấp nồng độ axit uric trong máu thông qua một cơ chế gọi là “hiệu ứng uricosuric” (kích thích bài niệu). Điều đó có nghĩa là khi ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C, thận của bạn sẽ hoạt động hiệu quả hơn trong việc lọc và đào thải axit uric, giúp kiểm soát nồng độ axit uric máu và ngăn ngừa những đợt bùng phát của bệnh gout.
Uống nhiều nước hơn
Uống nhiều nước là cách làm giảm axit uric máu tự nhiên thông qua cơ chế thúc đẩy lưu lượng máu chảy qua thận, tạo điều kiện để thận lọc và đào thải axit uric ra khỏi máu hiệu quả,uống nhiều nước còn giúp pha loãng nồng độ axit uric trong nước tiểu, ngăn ngừa chúng kết tủa lại gây sỏi thận.
Tăng lượng chất xơ ăn vào
Tiêu thụ một chế độ ăn nhiều chất xơ có lợi cho những người có nồng độ axit uric cao. Chất xơ giúp hấp thụ và loại bỏ acid uric dư thừa ra khỏi máu.
Dưới đây là cách bạn có thể tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của mình:
- Ăn nhiều trái cây, rau quả: Bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả trong bữa ăn hàng ngày.
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt: Hãy chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, lúa mạch.
- Các loại đậu: Hãy bổ sung các loại đậu như đậu lăng, đậu đỗ, đậu xanh vào chế độ ăn uống.
- Các loại hạt: Ăn nhẹ các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh để tăng thêm chất xơ.
Cân bằng lượng insulin
Nồng độ insulin cao trong cơ thể có thể dẫn đến tăng sản xuất acid uric. Điều quan trọng là kiểm tra thường xuyên mức insulin.
Duy trì mức insulin khỏe mạnh có thể giúp giảm nồng độ acid uric, ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe liên quan
Lợi ích của việc duy trì lối sống lành mạnh
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Cân nặng bình thường có thể giúp giảm nguy cơ tăng acid uric. Béo phì có thể góp phần làm tăng nồng độ acid uric. Tăng thêm vài cân có thể khiến cơ thể bạn tăng sản xuất axit uric và giảm bài tiết acid uric qua nước tiểu nguy cơ cao bị tăng axit uric trong máu, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút. Nếu đang thừa cân, hãy duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và lên kế hoạch giảm cân theo hướng dẫn từ chuyên gia dinh dưỡng.
Giảm cân nhanh chóng, đặc biệt là do nhịn ăn, có thể làm tăng acid uric. Do đó, nên tập trung vào việc thực hiện các thay đổi bền vững lâu dài để kiểm soát cân nặng, chẳng hạn như tích cực vận động hơn, chế độ ăn uống cân bằng và lựa chọn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng.
Tránh căng thẳng
Căng thẳng làm gia tăng huyết áp và nồng độ hormone Cortisol trong máu. Tăng huyết áp có thể khiến thận phải làm việc “vất vả” hơn để lọc máu, khiến quá trình đào thải acid uric diễn ra không hiệu quả. Trong khi đó, gia tăng hàm lượng cortisol trong máu sẽ thúc đẩy nồng độ acid uric tăng theo. Vì thế, tránh căng thẳng được xem là cách giảm acid uric hiệu quả, lành mạnh mà người bệnh gút cần tiến hành càng sớm càng tốt.
Các bài tập thể dục và thói quen tốt cho sức khỏe
Tập thể dục là một trong những cách giúp kiểm soát acid uric, mức độ tiến triển và hỗ trợ điều trị bệnh gout khá hiệu quả. Khi tập luyện, tuần hoàn máu đến khớp sẽ tăng lên và giúp bôi trơn khớp, điều này đã hạn chế được tình trạng lắng đọng acid uric tại khớp. Nếu bạn có kế hoạch tập luyện hợp lý kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có tác dụng tăng đào thải acid uric. Từ đó, nồng độ acid uric trong máu sẽ hạ xuống thấp, phòng ngừa cơn đau gout cấp tính khởi phát.
Bài tập tăng đào thải acid uric
Bài tập giãn cơ
Mục đích của việc tập giãn cơ là giảm tích tụ acid uric trong cơ thể, đặc biệt là máu. Đồng thời, bài tập này còn có tác dụng tăng độ linh hoạt cũng như khả năng hoạt động của cơ. Từ đó, triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm và tạo cảm giác thoải mái cho người bệnh.
Bài tập lưng và cơ đùi
Ngồi thoải mái trên sàn nhà, duỗi thẳng hai chân, hai tay vươn về phía trước cho đến khi chạm được ngón chân. Giữ yên tư thế này trong khoảng 15 giây rồi thả lỏng cơ thể. Lặp lại động tác này khoảng 3 lần là được.
Bài tập cổ tay
Đứng thẳng người, hai chân dang rộng bằng vai. Hai tay dang rộng sang ngang, nắm chặt hai tay rồi xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ trong khoảng 30 giây. Sau đó, xoay với chiều ngược lại trong khoảng 30 giây nữa rồi ngừng.
Bài tập vai
Hai tay để song song, nắm chặt hai tay thành hình nắm đấm rồi kéo mạnh ra phía sau cho đến khi vai căng ra là được. Giữ yên tư thế này trong khoảng 30 giây rồi đưa tay trở về vị trí ban đầu. Lặp lại động tác này khoảng 5 lần là được.
Bài tập chân
Ngồi trên sàn nhà, gập hai chân lại kiểu chân ếch, đưa bàn chân lại gần sát mông, tay giữ lấy bàn chân. Giữ yên tư thế này trong khoảng 30 giây rồi thả lỏng cơ thể.
Bài tập xoay người
Ngồi trên sàn nhà rồi duỗi thẳng hai chân. Từ từ vắt chân trái qua bên chân phải rồi dựng đứng lên. Tay phải chống ra phía sau rồi từ từ xoay người sang phải. Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây rồi thả lỏng cơ thể. Sau đó thực hiện tương tự với bên còn lại.
Đi bộ
Đây là bộ môn thể dục đơn giản nhưng mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Đặc biệt là những người đang mắc các bệnh lý về xương khớp như gout, thoái hóa khớp,… Đi bộ có tác dụng làm tăng cử động của khớp xương và đẩy nhanh tốc độ hồi phục tổn thương. Ngoài ra, đi bộ còn có khả năng cải thiện sức khỏe hệ tim mạch và hệ hô hấp rất tốt.
Tập Aerobic nhẹ nhàng
Khi bị gout, bạn nên thực hiện các bài tập aerobic nhẹ nhàng để cải thiện. Tác dụng của bài tập này tăng cường sức mạnh của cơ bắp dưới. Khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên tập 10 phút/ngày. Sau đó, tăng dần cường độ lên để đạt đến mức 30 – 45 phút/ngày là được. Tần suất tập luyện phù hợp nhất là 5 ngày/tuần.
Bơi lội
Bơi lội được xem là bài tập vàng đối với những người đang mắc bệnh lý xương khớp. Đây là bộ môn vận động dưới nước, ít gây áp lực lên xương khớp trong suốt quá trình tập luyện. Tác dụng của bài tập này là cải thiện độ linh hoạt của tứ chi, giảm đau nhức tại khớp do gout gây ra, giúp xương khớp và cột sống trở nên dẻo dai hơn.
Khi mới bắt đầu, bạn chỉ nên bơi từ từ rồi tăng dần thời gian lên. Bạn có thể khởi đầu với tần suất tập luyện là 2 lần/tuần và mỗi lần tập nên kéo dài khoảng 15 phút. Sau đó, tăng dần thời gian tập luyện cho đến khi đạt được mục tiêu là 30 – 45 phút/lần.
Tập yoga
Yoga cũng là một trong những phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị bệnh gout khá tốt. Mục đích của việc tập yoga là điều chỉnh nhịp thở, kéo giãn cơ bắp và tăng cường độ dẻo dai của xương khớp. Ngoài ra, tập yoga còn có tác dụng giải tỏa stress và cải thiện tâm trạng rất tốt. Một số tư thế yoga tốt cho người bị gout là tư thế rắn hổ mang, tư thế em bé, tư thế chiến binh, tư thế nằm ôm gối,…