Acid uric máu khi nào cần gặp bác sĩ?
Acid uric là sản phẩm chuyển hóa của nhân purin – thành phần cấu tạo nên DNA, RNA (các vật chất di truyền). Acid uric được thải trừ qua thận. Tăng chỉ số acid uric trong máu là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề không tốt cho sức khỏe, trong đó có bệnh gout. Vậy Acid uric máu khi nào cần gặp bác sĩ? Cùng tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Acid uric máu là gì?
- Acid uric máu có nguồn gốc nội sinh là khi các tế bào bị chết, nhân của chúng sẽ bị phá hủy và chuyển hóa thành axit uric.
- Acid uric máu có nguồn gốc ngoại sinh xuất phát từ các loại thức ăn động vật như thịt, cá và một số con đường chuyển hóa khác.
Nồng độ acid uric máu bình thường vào khoảng 420 micromol/lít ở nam giới và 360 micromol/lít ở nữ giới. Khi nồng độ vượt quá ngưỡng trên thì được gọi là tăng acid uric máu. Hàng ngày, lượng acid uric dư thừa sẽ được đào thải 80% qua nước tiểu và khoảng 20% qua đường tiêu hóa và mồ hôi.
Acid uric máu khi nào cần gặp bác sĩ?
Bình thường, chỉ số acid uric là bao nhiêu?
Tùy vào đơn vị đo và phương pháp xét nghiệm được sử dụng mà kết quả chỉ số acid uric ở mỗi bệnh nhân có thể khác nhau. Muốn biết chỉ số acid uric bao nhiêu thì bị gout, trước tiên bạn cần lưu ý đến ngưỡng bình thường của chỉ số này.
Ở đơn vị đo mg/dL, chỉ số acid uric theo độ tuổi ở ngưỡng bình thường như sau:
- 0 – 10 tuổi: 1,9 – 5,4 mg/dL.
- 10 – 18 tuổi: 3,5 – 7,3 mg/dL.
- Từ 18 tuổi trở lên: 3,6 – 8,4 mg/dL (đối với nam giới) và 2,9 -7,5 mg/dL (đối với nữ giới).
Đối tượng nào cần xét nghiệm acid uric máu?
Những đối tượng sau đây thường cần làm xét nghiệm acid uric máu:
- Người có biểu hiện nghi ngờ bệnh gout: Nếu một bệnh nhân có các triệu chứng đặc thù của bệnh gout như sưng, đau và đỏ khớp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm acid uric để tầm soát nguyên nhân gây bệnh.
- Người đang mắc bệnh gout: Đối với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc bệnh gout và đang trong quá trình điều trị, việc kiểm tra nồng độ acid uric có thể giúp bác sĩ theo dõi hiệu quả của quá trình điều trị.
- Người có biểu hiện nghi ngờ sỏi thận liên quan đến acid uric: Đối với những người có triệu chứng sỏi thận, bác sĩ có thể yêu cầu kiểm tra nồng độ acid uric trong máu để tìm hiểu xem người bệnh có mắc phải loại sỏi thận urat, hình thành do sự tích tụ acid uric quá mức hay không.
- Khám định kỳ đánh giá nguy cơ bệnh tim mạch: Trong một số trường hợp, việc kiểm tra nồng độ acid uric có thể được sử dụng như một phần của quá trình đánh giá nguy cơ tổng thể gây ra bệnh tim mạch.
- Tìm nguyên nhân gây bệnh thận: Vì acid uric được loại bỏ khỏi cơ thể thông qua thận nên một chỉ số acid uric bất thường có thể gợi ý về một số bệnh lý liên quan đến thận.
- Khám đánh giá theo dõi điều trị bệnh: Ở một số bệnh nhân điều trị có dùng thuốc cần làm xét nghiệm này bởi có một số loại thuốc có thể làm tăng hoặc giảm mức acid uric trong máu. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể muốn kiểm tra mức acid uric thường xuyên để theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Ngoài ra, người có thói quen uống nhiều rượu bia cũng được định kiểm tra mức acid uric.
Quy trình kiểm tra mức acid uric máu
Xét nghiệm acid uric là gì?
Xét nghiệm acid uric (axit uric) là xét nghiệm thường chỉ định thực hiện để bác sĩ kiểm tra nồng độ acid uric trong máu hoặc trong nước tiểu của người bệnh, từ đó kiểm tra các dấu hiệu bất thường có nguy cơ gây bệnh. Nhờ vào kết quả xét nghiệm này, bác sĩ có thể chẩn đoán và điều trị những bệnh lý liên quan kịp thời và hiệu quả.
Ý nghĩa xét nghiệm acid uric?
Xét nghiệm acid uric được chỉ định thực hiện trong chẩn đoán những bệnh lý gây biến đổi nồng độ acid uric trong cơ thể như rối loạn chức năng thận và rối loạn chuyển hóa, gồm suy thận, gout, bệnh bạch cầu, vảy nến, thiếu ăn hoặc những tình trạng suy kiệt khác, và người bệnh sử dụng những các thuốc độc tế bào.
Quy trình thực hiện xét nghiệm Acid uric trong máu
Xét nghiệm acid uric trong máu thường được chỉ định thực hiện vào buổi sáng. Trước khi lấy máu, người bệnh sẽ được yêu cầu nhịn ăn ít nhất là 4 giờ đồng hồ, có thể uống nước lọc. Sau đó, mẫu máu được cho vào ống nghiệm có chứa chất chống đông, ly tâm trước khi bác sĩ tiến hành phân tích. Thời gian người bệnh nhận kết quả xét nghiệm thường khoảng 1 giờ.
Quy trình thực hiện xét nghiệm acid uric tương tự các xét nghiệm máu thông thường khác, cụ thể:
- Người bệnh ngồi ở tư thế phù hợp
- Nhân viên y tế khử trùng tại vị trí lấy máu, có thể quấn một sợi dây thun quanh cánh tay của người bệnh
- Dùng kim tiêm lấy máu từ tĩnh mạch cánh tay hay bàn tay
- Sau khi lấy đủ lượng máu cần cho xét nghiệm, tiến hành rút kim tiêm ra, bơm máu vào ống nghiệm.
- Dán băng cá nhân tại vị trí lấy máu
- Đưa mẫu máu tới phòng thí nghiệm để phân tích
Vì kết quả xét nghiệm acid uric máu có thể bị sai lệch khi người thực hiện xét nghiệm uống rượu, sử dụng những loại thuốc giảm đau như Ibuprofen, Aspirin, Theophylin, thuốc chẹn beta giao cảm, thuốc ức chế men chuyển, Corticoid, thuốc hoặc thực phẩm vitamin C…
Vì thế, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ tất cả những loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng. Điều này sẽ hỗ trợ bác sĩ đánh giá xét nghiệm chính xác hơn. Kết quả này sẽ giúp ích trong quá trình chẩn đoán, theo dõi điều trị cũng như điều chỉnh chế độ ăn uống ở người bệnh.
Khi phát hiện người bệnh bị tăng acid uric, bác sĩ sẽ khuyến nghị bệnh nhân uống nhiều nước, hạn chế tiêu thụ những loại thực phẩm nhiều purin, không uống rượu bia để phòng ngừa nguy cơ mắc những bệnh lý do tăng acid uric hay làm trầm trọng thêm những bệnh lý đang mắc phải.
Hướng dẫn đọc chỉ số acid uric
- Nồng độ acid uric trong máu: Nam giới là 5,1 ± 1,0 mg/dl (420 μmol/lít) và nữ giới là 4,0 ± 1mg/dl (360 μmol/lít)
- Tổng lượng acid uric trong cơ thể: Nam giới là khoảng 1200mg và nữ giới là khoảng 600mg.
Chỉ số tốt nhất trong cơ thể của mỗi người là dưới 6 mg/dl. Mức này sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh gout. Nồng độ acid uric ở mức 6-7 mg/dl là bình thường và an toàn.
- Mức 1: Nồng độ acid uric trong máu < 6,5 mg/dl (< 380 μmol/lít). Đây là mức acid uric bình thường và an toàn.
- Mức 2: Nồng độ acid uric trong máu 6,5 – 7,2mg/dl (380 – 420 μmol/lít). Đây là mức acid uric ở ngưỡng có thể chấp nhận.
- Mức 3 và 4: Nồng độ acid uric trong máu 7,2 – 8,2mg/dl (420 – 480 μmol/lít) và 8,2 – 10 mg/dl (480 – 580 μmol/lít). Đây là mức acid uric mà người bệnh có nguy cơ xuất hiện một số triệu chứng của các cơn gout cấp với tần suất tăng cao khi chỉ số acid uric cao.
- Mức độ 5 và 6: Nồng độ acid uric trong máu 10 – 12 mg/dl (580 – 700 μmol/lít) và > 12 mg/dl (> 700 μmol/lít). Đây là mức acid uric thường gặp ở người bệnh gout mạn tính, khi đã xuất hiện những hạt tophi ở dưới da.
Với bệnh nhân có chỉ định điều trị hạ acid uric máu: Tùy vào mức độ bệnh và triệu chứng lâm sàng kèm theo của bệnh nhân mà mục tiêu acid uric cần đạt < 6 mg/dl (360 μmol/lít) hoặc <5 mg/dl (300 μmol/lít) theo đánh giá của bác sĩ điều trị.
Các phương pháp theo dõi và quản lý acid uric máu tại nhà.
Duy trì mức acid uric tối ưu là rất quan trọng cho sức khỏe tổng thể. Dưới đây là những biện pháp khắc phục tại nhà hiệu quả giúp bạn giảm nồng độ axit uric một cách tự nhiên.
Tiêu thụ thực phẩm có hàm lượng purin thấp
Thực phẩm giàu purin có thể làm trầm trọng thêm mức acid uric. Thực hiện chế độ ăn ít purine có thể giúp giảm đáng kể nồng độ acid uric trong cơ thể.
Dưới đây là một số thực phẩm có hàm lượng purin thấp nên đưa vào chế độ ăn uống:
- Trái cây: Hầu hết các loại trái cây đều có hàm lượng purin thấp, có thể tiêu thụ thoải mái.
- Rau: Bổ sung nhiều loại rau như ớt chuông, dưa chuột, cà rốt, các loại rau lá xanh trong chế độ ăn uống.
- Sữa ít béo: Chọn các sản phẩm từ sữa ít béo như sữa, sữa đông và phô mai…
Tránh đồ uống có đường
Đồ uống có đường, bao gồm soda và nước ép trái cây, có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric trong cơ thể. Si-rô ngô có hàm lượng fructose cao, một chất làm ngọt phổ biến trong nhiều loại đồ uống có đường, có liên quan đến nồng độ axit uric tăng cao.
Thay vào đó, hãy bổ sung nước cho cơ thể bằng nước, trà thảo mộc, nước ép trái cây tươi để giúp giảm nồng độ acid uric.
Duy trì cân nặng khỏe mạnh
Cân nặng quá mức có thể dẫn đến nồng độ axit uric trong cơ thể cao hơn do tế bào mỡ tạo ra nhiều acid uric hơn so với tế bào cơ. Thừa cân khiến thận khó lọc axit uric hiệu quả hơn. Do đó, giảm cân có thể làm giảm đáng kể nồng độ axit uric.
Tăng lượng chất xơ ăn vào
Tiêu thụ một chế độ ăn nhiều chất xơ có lợi cho những người có nồng độ axit uric cao. Chất xơ giúp hấp thụ và loại bỏ acid uric dư thừa ra khỏi máu.
Dưới đây là cách bạn có thể tăng lượng chất xơ trong chế độ ăn uống của mình:
- Ăn nhiều trái cây, rau quả: Bao gồm nhiều loại trái cây, rau quả trong bữa ăn hàng ngày.
- Chọn ngũ cốc nguyên hạt: Hãy chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, bánh mì nguyên hạt, lúa mạch.
- Các loại đậu: Hãy bổ sung các loại đậu như đậu lăng, đậu đỗ, đậu xanh vào chế độ ăn uống.
- Các loại hạt: Ăn nhẹ các loại hạt như hạnh nhân, hạt chia, hạt lanh để tăng thêm chất xơ.
Uống nhiều nước
Đây là cách giảm acid uric máu tự nhiên, an toàn thông qua cơ chế thúc đẩy lưu lượng máu chảy qua thận, tạo điều kiện thuận lợi giúp thận lọc, đào thải acid uric ra ngoài. Ngoài ra, uống nhiều nước mỗi ngày còn giúp pha loãng nồng độ acid uric trong nước tiểu, phòng ngừa tình trạng acid uric kết tủa, hình thành sỏi thận.
Cân bằng lượng insulin
Nồng độ insulin cao trong cơ thể có thể dẫn đến tăng sản xuất axit uric. Điều quan trọng là kiểm tra thường xuyên mức insulin. Nếu mức insulin cao, bác sĩ có thể đề nghị thay đổi lối sống và dùng thuốc để giúp cân bằng.
Duy trì mức insulin khỏe mạnh có thể giúp giảm nồng độ axit uric, ngăn ngừa các biến chứng sức khỏe liên quan
Tránh căng thẳng, lo lắng
Tâm lý căng thẳng, lo lắng có thể gây tăng huyết áp và nồng độ hormone cortisol trong máu. Tình trạng tăng huyết áp sẽ khiến thận làm việc “vất vả” hơn trong quá trình lọc máu, khiến hoạt động đào thải axit uric diễn ra không hiệu quả.
Trong khi, gia tăng lượng cortisol trong máu có thể thúc đẩy nồng độ acid uric tăng cao. Do đó, tránh căng thẳng, lo lắng được xem là cách giảm axit uric hiệu quả, lành mạnh.
Các phương pháp khác theo chỉ định của bác sĩ
Ngoài những cách giảm acid uric tự nhiên bằng chế độ dinh dưỡng và các chất bổ sung, một số loại thuốc cũng có tác dụng này, được chỉ định trong điều trị ở người mắc bệnh gút.
Những loại thuốc hạ acid uric máu tác động vào những khâu khác nhau trong quá trình chuyển hóa acid uric của cơ thể. Tùy thuộc cơ chế tác dụng, thuốc được phân thành những nhóm gồm thuốc ức chế tổng hợp acid uric máu (Allopurinol, Febuxostat), thuốc tăng thải acid uric (Probenecid), thuốc chuyển hóa axit uric (Pegloticase) và thuốc ức chế tái hấp thu acid uric có chọn lọc (Lesinurad).
Lưu ý: Việc dùng thuốc chữa bệnh gút cần có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc, vì có thể gây hại cho sức khỏe.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.