Tìm hiểu tổng quan về bệnh tay chân miệng ở trẻ em
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, hiếm gặp hơn ở người trưởng thành. Bệnh rất dễ lây lan, nhất là trong giai đoạn chuyển mùa. Bệnh tưởng nhẹ nhưng vẫn có thể nguy hiểm đến tính mạng. Phụ huynh cần tìm hiểu kiến thức để bảo vệ sức khỏe và phòng bệnh cho bé.
Tình hình bệnh tay chân miệng hiện nay
Theo báo cáo tình hình dịch bệnh Tp Hồ Chí Minh từ ngày 27/2 đến 05/03 năm 2023 ghi nhận 61 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 11,9% so với trung bình 4 tuần trước (55 ca). Tính từ đầu năm đến nay đã ghi nhận tổng 493 ca mắc tay chân miệng.
Bệnh diễn biến phức tạp và có tốc độ lây lan nhanh chóng, nhất là trong thời điểm giao mùa. Để đảm bảo sức khỏe cho bé, phụ huynh cần tăng cường kiến thức về bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Bệnh tay chân miệng là gì? Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm do vi rút đường ruột (Enterovirus) gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là gây tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước tập trung ở niêm mạc miệng, lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối.
Nguyên nhân gây bệnh tay chân miệng ở trẻ
Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, nguyên nhân chính gây ra bệnh là do vi rút thuộc họ vi rút đường ruột gây nên, điển hình là hai nhóm tác nhân Coxsackie A16 và Enterovirus 71 (EV71). Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, nhất là dưới 5 tuổi.
Bệnh lây lan dễ dàng từ người sang người theo đường hệ tiêu hóa từ tuyến nước bọt hay phân của trẻ nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh rất cao do thường học tập, vui chơi trong môi trường tập trung đông đúc, thường xuyên tiếp xúc với nhau ở trường học, nhà trẻ. Tốc độ lây lan nhanh chóng, vì vậy dễ bùng phát thành dịch bệnh.
Dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ em theo giai đoạn
Việt Nam là quốc gia thuộc vùng nhiệt đới, do đó dịch tay chân miệng có thể xảy ra quanh năm, tuy nhiên số lượng trẻ mắc tay chân miệng thường tăng cao trong 2 giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 hàng năm.
Giai đoạn ủ bệnh, bệnh tay chân miệng ở trẻ em thường chưa xuất hiện các triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, từ giai đoạn khởi phát các dấu hiệu của bệnh tay chân miệng ở trẻ thường rất dễ nhận biết. Các dấu hiệu sẽ giúp ba mẹ phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời.
- Giai đoạn ủ bệnh: Không có biểu hiện cụ thể và trẻ vẫn sinh hoạt hàng ngày bình thường, giai đoạn này thường kéo dài từ 3 đến 7 ngày.
- Giai đoạn khởi phát bệnh: Xuất hiện các dấu hiệu rõ ràng kéo dài trong vòng 1 đến 2 ngày. Triệu chứng dễ nhận biết là sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy.
- Giai đoạn toàn phát: Các triệu chứng điển hình của bệnh dễ dàng nhận biết. Tổn thương da, xuất hiện vết loét đỏ, mụn nước ở các vị trí đặc biệt như họng, quanh miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông, đầu gối,…Tình trạng đau miệng dẫn đến trẻ bỏ ăn, bỏ bú, tăng tiết nước bọt và quấy khóc thường xuyên. Giai đoạn này thường kéo dài từ 3 – 10 ngày.
Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu bệnh tay chân miệng, ba mẹ nên đưa bé đến các cơ sở y tế để được thăm khám. Trẻ được tư vấn chăm sóc đúng cách sẽ khỏi bệnh nhanh.
Dấu hiệu khỏi bệnh tay chân miệng
Nếu không bị biến chứng, phần lớn trẻ mắc tay chân miệng sẽ tự khỏi hoàn toàn sau khoảng 7 – 10 ngày phát bệnh. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, chú ý theo dõi thường xuyên và chăm sóc bé đúng cách.
Các dấu hiệu bệnh trở nặng:
- Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài, thậm chí quấy khóc cả đêm.
- Sốt trên 38.5 độ liên tục, sử dụng thuốc hạ sốt paracetamol nhưng không hạ.
- Trẻ bị giật mình, hốt hoảng không có lý do.
- Trẻ có biểu hiện mệt mỏi, không chơi, lơ mơ, ngủ li bì, ngủ gà.
- Trẻ bị toát mồ hôi, lạnh toàn thân, đặc biệt là ở tay, chân.
- Nhịp thở của trẻ bất thường như: Thở nhanh, thở khò khè, thở nông, rút lõm ngực, ngưng thở.
- Trẻ bị run tứ chi, run cả người, đi – đứng – ngồi không được vững, loạng choạng.
Nếu có một trong những dấu hiệu trên, ba mẹ cần đưa bé nhập viện ngay để được kiểm tra, theo dõi sức khỏe.
Bệnh tay chân miệng có nguy hiểm không?
Trẻ em bị tay chân miệng có nhiều khả năng dẫn đến các biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong như biến chứng viêm màng não, viêm não tủy, viêm não do vi rút hay biến chứng tim mạch, hô hấp như viêm cơ tim, suy tim, trụy mạch,…
Theo dõi và phát hiện triệu chứng bệnh nặng kịp thời đưa trẻ đi khám và điều trị, tránh những biến chứng nguy hiểm, đảm bảo an toàn sức khỏe cho trẻ nhỏ.
Hiện nay chưa có chính thức vắc xin phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam, vắc xin vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng trên người.
Lưu ý điều trị bệnh tay chân miệng ở trẻ
Hiện nay, bệnh tay chân miệng không có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu điều trị triệu chứng kết hợp các phương pháp tăng sức đề kháng giúp trẻ phục hồi nhanh hơn.
Khi nghi ngờ trẻ bị tay chân miệng, ba mẹ tuyệt đối không được tự ý sử dụng thuốc uống và thuốc bôi điều trị cho trẻ khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Đưa trẻ đến cơ sở y tế thăm khám để được tư vấn, hướng dẫn điều trị và chăm sóc sức khỏe đúng cách.
Phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng:
- Khi trẻ sốt cao từ 38,5 độ C trở lên cần cho trẻ dùng ngay thuốc hạ sốt paracetamol hoặc Ibuprofen theo liều lượng khuyến cáo độ tuổi và cân nặng của trẻ. Theo dõi nhiệt độ của trẻ liên tục.
- Vệ sinh răng miệng sạch sẽ cho trẻ, sử dụng thuốc bôi tay chân miệng theo hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ để giúp trẻ giảm đau ngứa và hạn chế tổn thương sâu.
- Bổ sung thêm vitamin C để tăng cường sức đề kháng.
- Cho trẻ ăn uống đầy đủ, thức ăn lỏng dễ tiêu.
Vệ sinh không gian sống của bé sạch sẽ và thoáng mát, theo dõi sức khỏe thường xuyên để phát hiện dấu hiệu bất thường kịp thời. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bé mỗi ngày.
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.
Bạn có thể xem thêm: