Trầm cảm là gì? Top 7 loại thuốc chống trầm cảm phổ biến ngày nay
Trầm cảm là một căn bệnh tiềm ẩn có liên quan đến cảm xúc tiêu cực mà nhiều người mắc phải. Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm kết hợp với liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị trầm cảm ngày nay. Tuy vậy, trong quá trình sử dụng thuốc trầm cảm, người bệnh nên lưu ý một số điều để có thể kịp thời thông báo với bác sĩ và có phương án xử trí.
Việc sử dụng thuốc chống trầm cảm kết hợp với liệu pháp tâm lý là phương pháp điều trị trầm cảm ngày nay
Trầm cảm là gì?
Trầm cảm là một bất thường có liên quan đến não bộ với một số biểu hiện như rối loạn về cảm xúc, các hoạt động hằng ngày, sự tập trung, giấc ngủ, sự ngon miệng và khả năng đáp ứng với xã hội. Một số yếu tố được cho là có thể khởi phát hoặc làm tái phát bệnh có liên quan đến những sang chấn tâm lý như: những tai nạn bất ngờ, quan hệ tình cảm đổ vỡ, mất đi người thân, sự nghiệp suy sụp,… Biểu hiện trầm cảm phụ thuộc vào các mức độ tăng dần như:
- Rối loạn khí sắc như buồn bã, cáu kỉnh, dễ kích thích, cảm giác nặng nề.
- Rối loạn giấc ngủ
- Giảm cảm giác ngon miệng
- Suy giảm trí nhớ
- Suy giảm khả năng tập trung
- Giảm ham muốn, thích thú với cuộc sống
- Tâm lý mặc cảm, tự ti, buồn rầu, trống vắng,…
Nếu không được kê đơn thuốc trầm cảm để điều trị kịp thời, bệnh có thể sẽ diễn tiến nặng dần và người bệnh có thể dễ chán nản, tuyệt vọng, thậm chí là không muốn tiếp tục sống, có ý định hoặc hành vi tự tử. Vì vậy, người bệnh cần được chẩn đoán cũng như điều trị càng sớm càng tốt bởi các bác sĩ chuyên khoa tâm thần. Lúc này, bệnh mới có thể thuyên giảm, ngưng uống thuốc và trở lại bình thường hoặc đôi khi cần dùng thuốc trầm cảm suốt đời.
Trầm cảm là một căn bệnh tiềm ẩn có liên quan đến cảm xúc tiêu cực
Tìm hiểu về thuốc chống trầm cảm
Thuốc trị trầm cảm lo âu là thuốc kê đơn được bác sĩ sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm. Bác sĩ có thể sẽ chỉ định loại thuốc này cho một số tình trạng khác như hội chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD), rối loạn lo âu. Đôi khi chúng cũng được áp dụng trong việc điều trị một số bệnh mạn tính.
Cơ chế hoạt động của thuốc trị trầm cảm là giúp tăng mức độ chất dẫn truyền thần kinh trong não, cụ thể là serotonin. Hơn nữa, norepinephrine và dopamine cũng là chất dẫn truyền thần kinh có liên quan đến trầm cảm.
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy thuốc trị trầm cảm có lợi cho những người bị trầm cảm trung bình hoặc nặng. Chúng thường không được khuyến dùng trong trường hợp trầm cảm nhẹ, trừ khi các phương pháp điều trị khác như liệu pháp tâm lý không mang lại hiệu quả.
7 loại thuốc chống trầm cảm phổ biến ngày nay
Các thuốc chống trầm cảm thường đi kèm tác dụng phụ, bạn không nên tự ý sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ. Có hơn 30 loại thuốc chống trầm cảm thường được các bác sĩ chỉ định. Dựa trên cơ chế hoạt động, thuốc chống trầm cảm được chia làm một số loại chính như sau:
Thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và norepinephrine (SNRI)
SNRI dù chỉ mới được đưa vào sử dụng, tuy nhiên mang lại hiệu quả tương đối cao. SNRI hoạt động bằng cách tăng cường sự hiện diện của hai chất dẫn truyền thần kinh là norepinephrine và serotonin trong hệ thống thần kinh trung ương.
Một số loại thuốc chống trầm cảm thuộc nhóm SNRI là: venlafaxine, duloxetine,… Tác dụng phụ khi sử dụng nhóm thuốc SNRI: ngủ không sâu giấc, đau đầu, buồn nôn, rối loạn chức năng tình dục.
Thuốc ức chế tái hấp thu chọn lọc serotonin có chọn lọc (SSRI)
Nồng độ serotonin của người mắc chứng trầm cảm thường thấp hơn bình thường nên họ có các biểu hiện như mệt mỏi, u uất, buồn bã. Thuốc giúp ngăn ngừa tái hấp thu serotonin, từ đó làm tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh này.
SSRI bao gồm citalopram, fluoxetin, fluvoxamin, escitalopram, paroxetin, sertralin, và vilazodone. Trong một số trường hợp, thuốc có thể khiến bệnh nhân bị kích động, lo lắng hoặc chán nản nhiều hơn trong tuần đầu tiên uống thuốc.
Nên sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ
Thuốc chống trầm cảm ba vòng (TCAs)
TCAs là một trong những nhóm thuốc thế hệ đầu tiên trong việc hỗ trợ điều trị trầm cảm. TCAs hoạt động bằng cách ức chế tái hấp thu chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine và serotonin trong khe hở “synapse” (đây là khoảng cách giữa các tế bào thần kinh) trong hệ thống thần kinh trung ương.
Một số loại thuốc chống trầm cảm nhóm TCAs là: amoxapine, amitriptyline, clomipramine, doxepin,… Tác dụng phụ có thể gặp phải khi sử dụng nhóm thuốc TCAs: táo bón, mất ngủ, tăng cân, khô miệng, tim đập nhanh.
Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
MAOIs làm ức chế monoamine oxidase, đây là một loại enzyme tham gia vào quá trình phân hủy một số chất truyền thần kinh. Việc gây ức chế enzyme này làm tăng nồng độ norepinephrine, serotonin và dopamine trong não, giúp cải thiện tốt tâm trạng. MAOIs thường được chọn nếu SSRIs không có tác dụng.
Một số thuốc chống trầm cảm nhóm MAOIs là: tranylcypromine, phenelzine, isocarboxazid selegiline,… Tác dụng phụ thường gặp của MAOIs là: buồn nôn, khô miệng, mất ngủ, choáng váng, tiêu chảy, táo bón.
Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine – dopamine (NDRIs)
Thuốc ức chế tái hấp thu norepinephrine và dopamine (NDRI) là một loại thuốc điều trị trầm cảm, hỗ trợ ngăn chặn hoạt động của các protein vận chuyển, làm tăng chất dẫn truyền thần kinh norepinephrine và dopamine trong não. Lâu dần, nó có thể dẫn đến một số thay đổi giúp làm giảm các triệu chứng trầm cảm.
Bupropion là đại diện của NDRIs thường được dùng để điều trị trầm cảm nặng, đặc biệt là ở những người không đáp ứng tốt hoặc không chịu được các tác dụng phụ của thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI).
Không nên ngưng dùng thuốc trầm cảm đột ngột
Một số lưu ý khi sử dụng thuốc chống trầm cảm
Mặc dù việc sử dụng thuốc chống trầm cảm như thế nào là do bác sĩ chỉ định, tuy vậy bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau:
- Nếu thấy xuất hiện các biểu hiện như buồn nôn, mất ngủ, nhức đầu, chóng mặt, táo bón, khô miệng, buồn ngủ (vào ban ngày), bị kích động, căng thẳng, giảm chức năng tình dục,… thì cần báo cho bác sĩ đang điều trị để có thể kiểm tra các biểu hiện này có phải là một trong những tác dụng phụ của thuốc hay không.
- Việc dùng thuốc trầm cảm trên nhóm đối tượng là trẻ em, thanh thiếu niên, thanh niên cần được theo dõi cũng như giám sát chặt chẽ bởi thuốc có khả năng làm các dấu hiệu của bệnh càng nặng hơn (như mất ngủ, dễ bị kích động), nghiêm trọng hơn có thể làm tăng nguy cơ có ý định hoặc suy nghĩ về việc tự tử.
- Đối với những bệnh nhân bị trầm cảm là người cao tuổi và có các biểu hiện như ít ngủ, thường xuyên lo lắng, suy giảm trí nhớ, buồn rầu,… dẫn đến việc khó phát hiện bệnh. Vì vậy, người bệnh cần được phát hiện sớm và đồng thời hạn chế dùng thuốc trong một thời gian dài.
- Nếu trong vòng 3 tháng sử dụng thuốc mà các triệu chứng của bệnh không cải thiện thì nên cân nhắc việc dùng thuốc chống trầm cảm, bởi vì bệnh có thể trở nặng hơn hoặc do thuốc gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.
- Ngoài các tiêu chí như ít gây tác dụng phụ, hiệu quả điều trị cao, việc lựa chọn và chỉ định thuốc cũng nên phù hợp với tình trạng sức khỏe của người bệnh (bệnh lý khác đi kèm), các loại thuốc tâm thần đã từng và đang sử dụng. Vì vậy, người bệnh cần cung cấp thông tin đầy đủ đến bác sĩ để có thể được tư vấn thuốc phù hợp.
- Nếu ngừng hoặc giảm liều sử dụng thuốc chống trầm cảm đột ngột sẽ có thể gặp phải các triệu chứng như buồn nôn, nhức đầu, đổ mồ hôi, tăng huyết áp, tim đập nhanh, co cơ, mất ngủ,… Vì thế, nếu muốn ngưng thuốc, đặc biệt là đối với những thuốc có thời gian bán hủy ngắn thì cần giảm liều sử dụng từ từ và từng bước.
Trên đây là những thông tin về các loại thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến hiện nay. Hy vọng là những chia sẻ trên giúp bạn hiểu hơn về việc điều trị bệnh lý trầm cảm. Hãy chia sẻ bài viết tới người thân và bạn bè nếu thấy hữu ích nhé!
Nguồn tham khảo: Tổng hợp
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.