Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Chảy máu mũi là gì? Dấu hiệu, nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Chảy máu mũi hay còn gọi là chảy máu cam. Đây là một hiện tượng khá phổ biến mà hầu như mỗi người đều gặp phải ít nhất một lần trong đời. Tùy theo từng trường hợp mà chảy máu cam có thể nguy hiểm hay không. Váy chảy máu mũi là gì? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây nhé.
Tổng quan chung
Chảy máu mũi còn được gọi là chảy máu cam, là tính trạng có máu chảy ra từ một bên hoặc cả 2 bên mũi. Hầu hết các trường hợp chảy máu cam đều xuất hiện ở một bên mũi, ít khi xuất hiện ở cả 2 mũi. Đây không phải là một bệnh, mà là triệu chứng chung do nhiều nguyên nhân gây nên.
Phần lớn ai cũng từng bị chảy máu cam ít nhất một lần trong đời, thường xảy ra nhất đối với trẻ em. Tình trạng này thường nhẹ và có thể tự xử lý tại chỗ. Tuy nhiên nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, người bệnh có thể gặp các vấn đề nguy hiểm, thậm chí để lại nhiều biến chứng sau này.
Gồm có 3 loại chảy máu cam, đó là:
- Chảy máu do điểm mạch Kisselbach.
- Chảy máu do động mạch.
- Chảy máu toả lan do mao mạch.
Triệu chứng
Chảy máu mũi dù xuất phát từ nguyên nhân gì dường như đều không có dấu hiệu cảnh báo trước. Tuy nhiên, một số dấu hiệu chảy máu mũi, người bệnh có thể quan sát, cảm nhận được như:
Đối với chảy máu mũi trước:
- Cảm thấy ướt mũi;
- Máu chảy ra từ mũi hoặc nếu chỉ rỉ máu thì khi dùng khăn thấm thấy có máu trên khăn;
- Dịch mũi lẫn máu.
Đối với chảy máu mũi sau
- Hay nuốt phải dịch chảy xuống họng;
- Có hành vi khịt mũi và nuốt dịch;
- Cảm thấy dịch có vị tanh của máu;
- Khi khạc ra thấy dịch màu đỏ tươi hoặc đỏ hồng.
Nguyên nhân
Một số nguyên nhân gây chảy máu mũi là:
- Mạch máu quá nhạy cảm và có thể vỡ khi thời tiết hanh khô, hoặc khi sử dụng lò sưởi, máy điều hòa trong một thời gian dài.
- Dị ứng, nhiễm trùng ở mũi họng và xoang.
- Ngoáy mũi hay các loại chấn thương cục bộ khác.
- Xì mũi quá mạnh.
- Trẻ nhét dị vật vào mũi.
- Vách ngăn mũi bị vẹo.
- Một số loại thuốc như thuốc chống viêm, các loại thuốc xịt mũi.
- Gãy xương mũi hay vỡ nền sọ (cần đặc biệt cẩn thận nếu chảy máu mũi xuất hiện sau chấn thương đầu).
- Các khối u (lành tính và ác tính) có thể là thủ phạm gây chảy máu mũi (hiếm gặp).
- Bệnh lý liên quan đến huyết học như: xuất huyết giảm tiểu cầu, bệnh lý do chất lượng tiểu cầu (bẩm sinh hay mắc phải), bệnh rối loạn đông máu, các bệnh về máu gây giảm tiểu cầu (suy tuỷ xương, lơ xê mi cấp…)
Đối tượng nguy cơ
Chảy máu mũi có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nào, thường xảy ra ở trẻ em từ 2-10 tuổi và nhóm tuổi người lớn từ 50-80 tuổi.
Chẩn đoán
Bác sĩ sẽ ngay lập tức đánh giá tình trạng đường thở, hô hấp và tuần hoàn nhằm mục đích kiểm soát và bảo vệ đường thở (đặt nội khí quản, mở khí quản nếu cần), hỗ trợ hô hấp và ổn định huyết động (truyền dịch, vận mạch, …).
Hỏi bệnh sử, tiền sử đồng thời với xử trí nhằm mục đích cầm máu và phát hiện nguyên nhân, ngăn ngừa chảy máu tái phát. Một số biện pháp cầm máu thường được áp dụng là:
- Đốt điểm chảy máu bằng hoá chất (nitrat bạc) hoặc đông điện lưỡng cực.
- Nhét bấc mũi trước hoặc bấc mũi sau. Ngày nay, một số vật liệu khác có thể được sử dụng để cầm máu như gelaspon, merocel … giúp người bệnh đỡ đau hơn, hạn chế nhiễm trùng, thời gian lưu vật liệu lâu hơn trong khi tìm và xử trí nguyên nhân.
- Thắt hoặc đông động mạch bướm khẩu cái, động mạch hàm trong, động mạch sàng trước, động mạch sàng sau, động mạch cảnh ngoài.
- Nút mạch qua chụp mạch xóa nền (DSA) nhằm làm tắc các nhánh động mạch cấp máu cho hốc mũi như động mạch hàm trong, động mạch bướm khẩu cái.
Phòng ngừa bệnh
Chảy máu cam thường khó kiểm soát. Tuy nhiên có thể phòng ngừa tình trạng này bằng những cách sau đây:
- Hạn chế ngoáy mũi quá nhiều, quá mạnh hoặc tác động tiêu cực đến mũi, vùng mặt.
- Khi thời tiết khô hanh, nóng, cần đeo khẩu trang bảo vệ mũi.
- Không nên ngồi điều hòa quá lâu, cần thường xuyên thay đổi không khí sinh hoạt và làm việc.
- Thường xuyên vệ sinh mũi bằng nước muối sinh lý, vệ sinh mũi đúng cách.
- Ăn uống đủ chất, đặc biệt là bổ sung đầy đủ vitamin C.
Điều trị như thế nào?
Mặc dù đây là tình trạng khá phổ biến nhưng không vì thế mà chủ quan. Người bị chảy máu mũi nếu không được sơ cứu và điều trị kịp thời sẽ rất nguy hiểm.
Sơ cứu ban đầu: Đây là việc ưu tiên hàng đầu khi có người bị chảy máu mũi.
- Đặt bệnh nhân ở tư thế ngồi thẳng, đầu hơi ngả về phía trước.
- Bóp chặt cánh mũi và thực hiện thở bằng miệng khoảng 10 – 15 phút đến khi máu chảy chậm hoặc ngừng chảy.
- Không nên ngả đầu về phía sau vì máu sẽ chảy vào cổ họng gây nôn, vào khí quản gây nên các vấn đề về hô hấp. Nếu có thể thì nên khạc nhổ máu trong cổ họng và miệng ra ngoài.
- Lót 1 khăn mỏng vào mũi rồi chườm đá lạnh lên trên.
Nếu hiện tượng chảy máu mũi vẫn không dừng lại sau 20 phút, hoặc bệnh nhân xuất hiện các dấu hiệu: trụy mạch, xanh nhợt, toát mồ hôi, thở khó,… thì cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Quá trình di chuyển phải có người nhà đi theo để có thể xử trí các tình huống bất thường có thể xảy ra trong quá trình di chuyển đến bệnh viện cũng như quá trình điều trị tại bệnh viện.
Hi vọng với những chia sẻ trên giúp các bạn hiểu hơn về chảy máu mũi.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.