Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Lồng ruột là gì? Những điều cần biết về lồng ruột
Lồng ruột là nguyên nhân phổ biến gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Vậy nguyên nhân của lồng ruột là gì, được điều trị như thế nào? Mời phụ huynh tham khảo nội dung dưới đây.
Tổng quan chung
Lồng ruột là gì?
Lồng ruột xảy ra khi một đoạn ruột chui vào bên trong của một đoạn ruột khác gây ra tắc nghẽn. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn tới thiếu máu nuôi ruột và xuất hiện các biến chứng nghiêm trọng như thủng ruột, nhiễm trùng huyết,…
Khối lồng có thể bắt đầu ở bất cứ đâu trên suốt chiều dài của đường tiêu hóa (từ ruột non đến ruột già). Tuy nhiên vị trí thường thấy là ở chỗ giao nhau của của ruột non và ruột già.
Triệu chứng bệnh lồng ruột
Giai đoạn đầu của bệnh:
- Trẻ khó chịu do co thắt dạ dày
- Khóc thét đột ngột, co gối lên ngực do đau bụng từng cơn, tái phát nhiều lần
- Bỏ bú
- Nôn ói nhiều lần
- Xanh xao, vã mồ hôi
Giai đoạn ruột bị nghẹt nghiêm trọng hơn:
- Đi tiêu phân nhầy, máu
- Thỉnh thoảng cảm thấy một khối u nhô lên ở vùng dạ dày
- Mệt lả
- Tiêu chảy
- Sốt
- Mất nước
Giai đoạn muộn, ruột bắt đầu bị hoại tử:
- Nôn liên tục
- Chướng bụng
- Da lạnh, nhợt nhạt
- Mạch nhanh, nông
- Thở nhanh nông
Ở người lớn, bệnh lồng ruột hiếm gặp và các triệu chứng của bệnh thường chồng lấp lên triệu chứng của các bệnh khác nên thường khó phát hiện. Triệu chứng thường gặp nhất là đau bụng từng cơn. Buồn nôn, nôn cũng có thể xảy ra. Thông thường người bệnh có biểu hiện triệu chứng trong vòng vài tuần trước khi đến gặp bác sĩ.
Nguyên nhân
Tùy vào độ tuổi xảy ra lồng ruột mà các nguyên nhân thường gặp sẽ khác nhau.
Ở trẻ em
Đa phần lồng ruột ở lứa tuổi này không có nguyên nhân gây bệnh rõ ràng.
Với các hiểu biết hiện tại, một số yếu tố có thể liên quan đến sự hình thành khối lồng:
- Nhiễm virus: khoảng 30% bệnh nhân trải qua một đợt bệnh do nhiễm virus (viêm đường hô hấp trên, viêm tai giữa,..) trước khi bị lồng ruột. Quá trình nhiễm virus này có thể đã kích thích làm phì đại mô bạch huyết trong đường ruột, đóng vai trò như một “điểm nút” để tạo ra khối lồng.
- Nhiễm trùng đường ruột khác: nếu có liên quan, hầu hết các trường hợp sẽ xảy ra trong vòng một tháng đầu tiên sau khi bị viêm ruột do vi khuẩn (Salmonella, E.coli, Shigella…).
Ở người lớn
Ở người lớn, lồng ruột thường là hậu quả của một bệnh lý tiềm ẩn. Chúng có thể là:
- Túi thừa.
- Polyp.
- Khối u.
- Khối máu tụ.
- Bệnh Crohn – tình trạng viêm và hình thành các mô xơ-sẹo ở những bệnh nhân này cũng đóng vai trò nhất định trong cơ chế sinh bệnh của khối lồng.
Khối lồng cũng có thể xuất hiện sau phẫu thuật cắt dạ dày hoặc các phẫu thuật khác trên đường tiêu hóa (đặc biệt với phương pháp mổ hở). Tuy nhiên, trường hợp này thường ít khi xảy ra. Thêm một điều đáng mừng là chúng thường có thể tự cải thiện mà không cần phải can thiệp điều trị.
Đối tượng nguy cơ
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh lồng ruột:
- Tuổi: lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng độ tuổi mắc bệnh nhiều nhất là trong khoảng từ 3 đến 6 tháng tuổi
- Giới tính: bé trai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 đến 3 lần so với bé gái, đặc biệt là các bé trai bụ bẫm
- Lồng ruột ở trẻ em xảy ra nhiều hơn vào mùa thu và mùa đông
- Bẩm sinh có cấu tạo ruột bất thường
- Đã từng mắc bệnh lồng ruột trước đây
- Mắc phải hội chứng suy giảm miễn dịch
- Yếu tố gia đình: có anh chị em ruột đã từng mắc bệnh lồng ruột
Chẩn đoán
Chiến lược tối ưu để chẩn đoán và điều trị phụ thuộc vào mức độ nghi ngờ xảy ra lồng ruột là nhiều hay ít thông qua quá trình thăm khám lâm sàng tỉ mỉ.
Bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm hình ảnh học để xác nhận chẩn đoán, với điều kiện là chúng không trì hoãn đáng kể việc điều trị dứt điểm. Các phương tiện này bao gồm:
- Siêu âm: Là phương pháp được lựa chọn để chẩn đoán lồng ruột khá phổ biến hiện nay. Phương pháp này có thể giúp xác định sự hiện diện của khối lồng, đồng thời quan sát được nguyên nhân gây bệnh trong một số trường hợp. Ngoài ra, hình ảnh trên siêu âm còn giúp bác sĩ đánh giá được các biến chứng của bệnh cũng như khả năng tháo lồng thành công là nhiều hay ít, từ đó đưa ra chiến lược thích hợp.
- X-quang đại tràng có thuốc cản quang: Thường được sử dụng khi không có siêu âm. Có giá trị trong chẩn đoán bệnh khi xuất hiện các hình ảnh đặc trưng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đặc biệt như trẻ đi tiêu máu ồ ạt hay có dấu hiệu của viêm phúc mạc, phương pháp này không thể được thực hiện.
- X-quang bụng không sửa soạn: Là xét nghiệm đầu tiên để đánh giá tình trạng chung của trẻ. Tuy nhiên, nó ít có giá trị trong chẩn đoán và một kết quả X-quang bụng không sửa soạn bình thường không thể loại trừ được khả năng trẻ bị lồng ruột. Mục đích chính là để loại trừ biến chứng thủng ruột (nếu có) vì sẽ cần phải phẫu thuật.
Phòng ngừa bệnh
Do chưa xác định rõ nguyên nhân thực sự gây tình trạng lồng ruột ở trẻ nhỏ nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu. Cách tốt nhất là cha mẹ cần chú ý nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để từ đó phát hiện sớm các dấu hiệu của lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do bệnh gây ra.
Ngoài ra, cha mẹ cần kiểm soát tốt tình trạng phục hồi của trẻ sau khi điều trị lồng ruột bằng cách:
- Cho trẻ tái khám đúng lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi diễn tiến bệnh cũng như tình trạng sức khỏe.
- Cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê.
Điều trị như thế nào?
Lồng ruột là trường hợp khẩn cấp, cần được điều trị ngay để tránh tình trạng mất nước và sốc nghiêm trọng, cũng như ngăn ngừa nhiễm trùng có thể xảy ra khi một phần ruột hoại tử do thiếu máu.
Các lựa chọn điều trị cho bệnh lồng ruột có thể bao gồm:
- Bơm hơi: được dùng để tháo lồng, kỹ thuật này sẽ làm giảm bớt khả năng gây thủng ruột và hậu quả của thủng ruột. Phương pháp này có tỷ lệ thành công từ 75-95%. Sau khi được tháo lồng nhờ bơm hơi, trẻ cần phải được tiếp tục theo dõi tại bệnh viện. Trường hợp không thể tháo lồng hoặc thủng ruột sẽ cần phẫu thuật ngay lập tức.
- Phẫu thuật: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tháo lồng, làm sạch ruột và loại bỏ các mô hoại tử (nếu cần).
Trong một số trường hợp, trẻ có thể tự tháo lồng mà không cần can thiệp. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, trẻ vẫn cần được theo dõi tại cơ sở y tế.
Hầu hết trẻ em bị lồng ruột được điều trị trong vòng 24 giờ đầu đều hồi phục hoàn toàn mà không gặp vấn đề gì nghiêm trọng. Nhưng nếu không được phát hiện và điều trị đúng cách, trẻ có thể gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Do đó, nếu nghi ngờ trẻ có dấu hiệu lồng ruột, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Khác với ở trẻ nhỏ, bơm hơi không thể giải quyết được tình trạng lồng ruột ở người lớn, ngoài phẫu thuật thì bệnh nhân ngoài xử lý tình trạng lồng ruột, cần điều trị nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để tránh tái phát. Nếu nguyên nhân do u ở manh tràng hay đại tràng phải, có thể phải cắt bỏ nửa đại tràng tùy theo tình trạng sức khỏe của người bệnh có đáp ứng hay không. Nếu u ở đại tràng trái thì cũng cần cắt bỏ, sau đó đưa hai đầu đại tràng ra ngoài nối với hậu môn.
Vì lồng ruột ở trẻ em chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng nên không có cách phòng tránh cụ thể đối với bệnh lý này. Tuy nhiên, với chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh sẽ giúp trẻ có sức khỏe tốt và hạn chế khả năng gặp phải các bệnh lý về đường tiêu hoá.