Cách Chăm Sóc Bệnh Nhân Tai Biến Mạch Máu Não
Tai biến mạch máu não, hay còn gọi là đột quỵ là một tình trạng y tế khẩn cấp yêu cầu chăm sóc đặc biệt và dài hạn. Việc chăm sóc người bệnh tai biến mạch máu não đúng cách không chỉ giúp họ phục hồi nhanh chóng mà còn ngăn ngừa tái phát. Bài viết này sẽ hướng dẫn chi tiết cách chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não.
Những điều cần biết về tai biến mạch máu não
Tai biến mạch máu não là gì?
Tai biến mạch máu não là tình trạng mất lưu thông máu đột ngột đến một khu vực của não, xảy ra khi mạch máu não bị tắc nghẽn bởi cục máu đông hoặc bị nứt vỡ, gây chảy máu trong não.
Bộ não là cơ quan cực kỳ phức tạp kiểm soát các chức năng khác nhau của cơ thể. Não chỉ chiếm 2% khối lượng cơ thể nhưng lại cần 15-20% tổng cung lượng tim để cung cấp oxy cần thiết cho quá trình trao đổi chất. Nếu xảy ra tai biến mạch máu não, tế bào não chết đi sẽ gây ra nhiều biến chứng về thần kinh và vận động.
Tai biến mạch máu não là một tình trạng cấp tính cần cấp cứu kịp thời, nếu không sẽ để lại hậu quả nặng nề, nghiêm trọng nhất là tàn tật và tử vong.
Các loại tai biến mạch máu não
Có hai loại tai biến mạch máu não là:
- Đột quỵ thiếu máu cục bộ (nhồi máu não): Hơn 80% các trường hợp tai biến mạch máu não do thiếu máu, xảy ra khi mạch máu cung cấp máu cho não bị thu hẹp hoặc tắc nghẽn bởi cục máu đông.
- Đột quỵ xuất huyết não: Xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ra xung quanh, gây tổn thương nhu mô não. Có hai loại là: Xuất huyết nội sọ (trong não) và xuất huyết khoang dưới nhện.
Ngoài ra, một tình trạng khác khá giống tai biến mạch máu não là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA), nhưng chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, sau đó biến mất. Nguyên nhân thường là do tạm thời mất lưu thông máu do cục máu đông.
TIA được xem là dấu hiệu cảnh báo đột quỵ trong tương lai. Hơn 1/3 số người bị TIA nếu không được điều trị sẽ bị đột quỵ trong vòng 1 năm sau đó, và khoảng 10-15% số người sẽ bị một cơn đột quỵ nghiêm trọng trong 03 tháng sau khi bị TIA.
Nguyên nhân của tai biến mạch máu não là gì?
Nguyên nhân gây đột quỵ thiếu máu cục bộ
- Nguyên nhân chính gây tai biến mạch máu não do thiếu máu cục bộ là huyết khối hình thành tại động mạch bị vữa xơ, thường là động mạch cảnh, động mạch sống nền và động mạch não. Xơ vữa động mạch là tình trạng chất béo tích tụ trong trong lòng mạch thành các mảng xơ và cứng, gây hẹp động mạch. Khi mảng xơ vữa vỡ ra tạo điều kiện hình thành cục máu đông lấp kín lòng mạch.
- Một nguyên nhân khác là thuyên tắc mạch, khi cục máu đông hình thành ở một vị trí khác trong hệ tuần hoàn, thường là từ tim, sau đó di chuyển theo dòng máu lên não gây thuyên tắc mạch máu não. Nguyên nhân chính của thuyên tắc thường là do bệnh lý từ tim, viêm nhiễm, ung thư.
- Bệnh lý mạch máu não – thường là những động mạch nằm sâu trong não, cũng có thể dẫn đến đột quỵ thiếu máu cục bộ.
Nguyên nhân gây đột quỵ xuất huyết não
Các nguyên nhân gây tai biến mạch máu não do xuất huyết não là:
- Tăng huyết áp.
- Bệnh amyloidosis não.
- Các bệnh rối loạn đông máu.
- Điều trị thuốc chống đông máu.
- Liệu pháp tiêu sợi huyết trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp hoặc đột quỵ thiếu máu não cấp tính (có thể gây xuất huyết não).
- Dị dạng động tĩnh mạch, phình động mạch và các dị tật mạch máu khác (u tĩnh mạch và xoang hang).
- Viêm mạch.
- Khối tân sinh trong sọ.
Người bị bệnh tai biến mạch máu não cần làm gì?
Việc tập luyện đúng cách có thể giúp não và các cơ quan trong cơ thể phục hồi nhanh hơn. Nếu điều kiện sức khỏe cho phép, bệnh nhân có thể tập luyện ngay từ những ngày đầu sau giai đoạn điều trị cấp tính.
Tập luyện khi ở viện
Trong những ngày đầu, hầu như các hoạt động tập luyện của người bệnh là thụ động, cần sự hỗ trợ của người thân, bao gồm:
- Thay đổi tư thế nằm mỗi giờ để chống loét
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, tốt nhất 2-3 lần/ngày
- Xoa bóp cơ bắp, vận động các khớp tay và chân giúp máu lưu thông, tránh cứng khớp, teo cơ
- Tập vận động nhẹ nhàng nhưng cố gắng duy trì thường xuyên
Tập luyện sau khi xuất viện
Sau khi xuất viện, bệnh nhân tai biến có thể tập vận động tại nhà hoặc tại phòng tập vật lý trị liệu. Các bài tập bao gồm:
- Phục hồi chức năng vận động: Người bệnh cần được tập cầm nắm các vật dụng quen thuộc, duỗi chân tay,… từ đơn giản đến phức tạp để khôi phục khả năng vận động.
- Phục hồi khả năng ngôn ngữ: Khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não bị mất tiếng nói. Vì vậy, người bệnh cần được tập nói những câu từ đơn giản như đếm số, bảng chữ cái, ngày tháng,… đến mô tả đồ vật xung quanh hoặc đọc đoạn văn. Các chuyên gia khuyến cáo trong vòng 3 tháng đầu bệnh nhân nên luyện nói khoảng 40 – 100 giờ để sớm lấy lại khả năng giao tiếp.
Nguyên tắc tập luyện cho các bệnh nhân này là thực hiện các bài tập từ đơn giản đến phức tạp, khuyến khích bệnh nhân tự thực hiện với sự trợ giúp của thân nhân. Trong quá trình tập luyện, có thể sửa đổi một số vật dụng trong nhà cho phù hợp, giúp bệnh nhân tập luyện và di chuyển dễ dàng.
Muốn tăng khả năng phục hồi, người bệnh cần chú ý:
- Từ bỏ thuốc lá, rượu bia, hạn chế ăn mặn
- Uống thuốc đầy đủ theo đơn của bác sĩ và tái khám đúng hẹn
- Kiểm soát chặt chẽ các bệnh đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường,…
- Chế độ làm việc, nghỉ ngơi khoa học, tránh căng thẳng, làm việc quá sức
- Đối với người cao tuổi, cần chú ý giữ ấm cơ thể khi thời tiết thay đổi, hạn chế tai biến tái phát
Chăm sóc người bệnh như thế nào
Chăm sóc y tế và phục hồi chức năng:
Cách chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não còn phụ thuộc vào biến chứng mà người bệnh gặp phải sau điều trị. Khi chăm sóc người bệnh, cần lưu ý một số vấn đề như:
- Hỗ trợ người bệnh xoay trở tư thế thường xuyên (30 phút/lần) với người bệnh không cử động được, bị liệt nửa người hoặc toàn thân
- Thường xuyên vệ sinh vùng kín để tránh nhiễm trùng đường tiết niệu
- Cho người bệnh ăn thức ăn loãng, ăn chậm để tránh gây sặc dẫn đến viêm phổi do hít sặc;
- Giữ phòng ngủ người bệnh được sạch sẽ, thoáng mát, yên tĩnh, giúp người bệnh được nghỉ ngơi tốt hơn
- Tuân theo phác đồ điều trị từ bác sĩ
- Người bị tai biến mạch máu não sau khi điều trị bị căng cứng cơ, liệt nửa người có thể tập vật lý trị liệu, châm cứu, massage,… để tăng tỷ lệ phục hồi.
Phòng ngừa:
- Ăn đủ bữa, có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng. Hạn chế các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo, cholesterol,… Thay vào đó, nên ăn rau củ quả, hải sản, trứng, các loại đậu, thịt trắng, ngũ cốc,…
- Không sử dụng rượu bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích;
- Thường xuyên tập thể dục vận động, tối thiểu 30 phút/ngày, mỗi tuần từ 3-4 ngày
- Ổn định cân nặng, tránh thừa cân béo phì
- Tránh tăng huyết áp
- Tránh các yếu tố gây căng thẳng, hạn chế thức khuya, đảm bảo chất lượng giấc ngủ
- Khám sức khỏe và tầm soát đột quỵ định kỳ.
Chăm sóc tâm lý: Hỗ trợ tâm lý để giúp bệnh nhân vượt qua cảm giác lo lắng, trầm cảm sau đột quỵ. Gia đình và bạn bè cần kiên nhẫn, lắng nghe và động viên bệnh nhân.
Dinh dưỡng: Cung cấp chế độ dinh dưỡng hợp lý, giàu chất xơ, ít muối, và ít chất béo. Đảm bảo bệnh nhân ăn đủ bữa và bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất cần thiết.
Kết luận
Chăm sóc bệnh nhân tai biến mạch máu não là một quá trình dài và phức tạp, yêu cầu sự kiên nhẫn và tận tâm từ người chăm sóc. Việc tuân thủ chỉ định y tế, chăm sóc dinh dưỡng hợp lý, và hỗ trợ tâm lý đúng cách sẽ giúp bệnh nhân phục hồi nhanh chóng và giảm nguy cơ tái phát. Đồng hành cùng người bệnh trong giai đoạn khó khăn này là điều vô cùng quý giá và cần thiết. Hãy luôn nhớ rằng sự động viên và chăm sóc từ gia đình và bạn bè có thể tạo ra những thay đổi tích cực to lớn trong quá trình phục hồi của bệnh nhân.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.