Nhiễm giun lươn: Triệu chứng, nguyên nhân và điều trị
Giun lươn là ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong số các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa. Hiện nay, ở Việt Nam số người mắc bệnh giun lươn chiếm tỷ lệ khá cao khoảng 1 – 2% tổng dân số và tỷ lệ tái nhiễm cũng cao hơn so với các loài giun sán khác. Chúng có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể và có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng con người. Phát hiện sớm tình trạng nhiễm giun và điều trị kịp thời sẽ giúp giảm nguy cơ xuất hiện biến chứng nặng.
Tổng quan chung
Bệnh giun lươn hình thành do ấu trùng giun lươn xâm nhập vào cơ thể bằng cách chui qua da, đi theo đường tĩnh mạch chạy lên tim, qua phổi rồi tới khí quản, hầu, sau đó di chuyển xuống thực quản và ruột để sinh trưởng thành giun trưởng thành.
Giun lươn được xếp vào loại ký sinh trùng nguy hiểm nhất trong các loại ký sinh trùng đường tiêu hóa do nó có thể tồn tại rất lâu trong cơ thể người và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí có thể tử vong. Số người mắc bệnh giun lươn ở Việt Nam khá cao, chiếm 1 – 2 % tổng dân số, bệnh cũng có tỉ lệ tái nhiễm cao hơn so với các bệnh khác.
Triệu chứng nhiễm giun lươn
Lâm sàng
Hầu hết nhiễm giun lươn thường không triệu chứng và có thể tồn tại hàng chục năm mà không được chẩn đoán. Có thể biểu hiện triệu chứng qua da, đường tiêu hóa hay hô hấp.
- Qua da: Ấu trùng xâm nhập thường ở chân hoặc bất kỳ vị trí nào tiếp xúc với đất nhiễm bệnh thường gây phản ứng viêm da tại chỗ như ngứa, nổi mề đay ngoằn ngoèo có thể thay đổi vị trí phù hợp với phản ứng dị ứng khi ấu trùng di chuyển, đôi khi có thể là một nốt xuất huyết thứ phát do vỡ mạch máu. Triệu chứng này có thể kéo dài vài giờ, cả ngày và tái diễn hàng tháng, năm.
- Đường tiêu hóa: Buồn nôn, nôn, đầy hơi, táo bón hay tiêu chảy mạn, thậm chí có thể gây tắc ruột, đôi khi gây hội chứng kém hấp thu. Nhiễm giun lươn là nguyên nhân biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng ở trẻ em.
- Đường hô hấp : Trường hợp nhẹ sẽ bị khò khè, hắt hơi. Khi bội nhiễm hoặc chồng lắp lên bệnh khác thường gây ho, khò khè, khó thở, thở nhanh, ho ra máu, đau ngực kiểu màng phổi trường hợp nặng gây ra hội chứng nguy kịch hô hấp cấp ở người lớn (ARDS) cần phải thông khí cơ học.
- Hội chứng tăng nhiễm: Thường xảy ra trên cơ địa người suy kiệt, suy giảm miễn dịch, bệnh lý ác tính, đái tháo đường, nghiện rượu. Vi khuẩn Gr – đường ruột có thể bám vào ấu trùng di chuyển khắp cơ thể gây nhiễm trùng máu, viêm màng não, sốt kéo dài.
Biến chứng nguy hiểm
Ấu trùng giun lươn di chuyển có khi lạc chỗ, chính vì vậy đã gây ra nhiều biến chứng ở các cơ quan khác nhau:
- Ở hệ thần kinh: ấu trùng giun lươn phát triển trong lòng ruột, sau đó xuyên qua thành ruột, theo máu đi thẳng lên hệ thống thần kinh trung ương gây viêm não, màng não, áp-xe não và xuất huyết não khiến cho nhiều thầy thuốc lâm sàng chẩn đoán nhầm với một số bệnh lý viêm màng não do virus, vi khuẩn, lao, nấm… Đây là một trong những tổn thương nặng nề, nguy hiểm và tử vong nhiều nhất.
- Ở hệ hô hấp: giun lươn còn có thể gây ra viêm phổi, áp-xe phổi, xuất huyết phổi, gây khó thở…
- Nhiễm khuẩn huyết: do kéo theo hoặc đồng nhiễm với các loại vi khuẩn nên gây nhiễm khuẩn huyết là một bệnh toàn thân rất nguy hiểm.
- Ở hệ tiêu hóa: gây viêm ruột, tắc ruột, thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa, tắc nghẽn đường mật. Ngoài ra, bệnh còn gây tổn thương trên nội tâm mạc, viêm tụy, suy gan, suy thận…
Nguyên nhân nhiễm giun lươn
Giun lươn có tên khoa học là Strongyloides stercoralis là loại giun tròn ký sinh ở niêm mạc ruột non, chúng có thể sinh sản và phát triển trong môi trường bên ngoài: đất, phân,…
Hình thể
- Giun cái trưởng thành có đầu thon dài và đuôi nhọn, vỏ thân có khía ngang, nông. Kích thước của giun cái khoảng 2 mm x 34 mm.
- Giun đực trưởng thành có đuôi hình móc, có hai gai sinh dục và có kích thước khoảng 0,7 mm x 36 mm.
- Trứng giun hình bầu dục, kích thước 50 – 58 mm x 30 – 34 mm.
Chu kỳ phát triển của giun lươn
Đường lây:
- Giun lươn lây chủ yếu qua da và niêm mạc, ấu trùng sẽ xâm nhập trực tiếp qua các vết thương hở trên da.
- Trường hợp ít gặp là khi ấu trùng giun cư trú ngay tại khu vực quanh nếp nhăn hậu môn. Sau một thời gian ngắn sẽ phát triển thành ấu trùng có thực quản hình trụ và cuối cùng là gây tái nhiễm lại cho bệnh nhân.
Diễn biến chu kỳ:
- Ấu trùng giun gây bệnh cho người bằng cách xâm nhập qua da, ấu trùng di chuyển theo đường tĩnh mạch đến các cơ quan như: tim, phổi, khí quản, hầu và cuối cùng xuống thực quản vào ruột để phát triển trành giun trưởng thành.
- Tại niêm mạc ruột non, giun cái đẻ trứng. Sau đó trứng nở thành ấu trùng ngay trong lòng ruột và theo phân ra ngoài môi trường.
- Ở bên ngoài môi trường, ấu trùng khi gặp điều kiện thuận lợi chúng tiếp tục gây bệnh cho người.
- Trong 1 vài trường hợp, giun lạc chỗ có thể ký sinh ở gan, phổi, thực quản, hạch bạch huyết. Cá biệt có thể gặp trong cơ tim. Thời gian từ khi ấu trùng xâm nhập qua da đến khi xuất hiện trong phân khoảng 2 – 4 tuần.
Đối tượng và yếu tố nguy cơ nhiễm giun lươn
Những ai có nguy cơ mắc phải nhiễm giun lươn
Nhiễm giun lươn có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt những người dân sống ở khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Tuy nhiên, dựa vào con đường và chu kỳ lây nhiễm bệnh, những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao:
- Người sống ở những khu vực nghèo, lạc hậu.
- Người sống ở vùng nông thôn, miền núi.
- Người làm nông nghiệp, chăn nuôi trồng trọt.
- Trẻ em, nhất là trẻ sống ở khu vực kém phát triển.
Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải nhiễm giun lươn
Có rất nhiều yếu tố có thể tăng nguy cơ nhiễm giun lươn, như:
- Khí hậu nóng ẩm của Việt Nam là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của giun lươn.
- Thói quen sinh sống của những người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới nhiễm giun lươn tỷ lệ cao: Đi chân đất, không vệ sinh tay sạch sẽ sau khi tiếp xúc môi trường bẩn, sau khi đi vệ sinh,…
- Trẻ em có nguy cơ nhiễm giun lươn cao hơn người lớn.
- Tập quán ăn rau sống, sử dụng phân tươi chăm bón cho cây trồng và rau củ, ao cá dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm giun lươn.
Chẩn đoán nhiễm giun lươn
Chẩn đoán lâm sàng
Nên nghi ngờ bệnh giun lươn ở những bệnh nhân có yếu tố dịch tễ liên quan (tiếp xúc với đất bị ô nhiễm ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới) và các biểu hiện đường tiêu hóa , hô hấp và / hoặc da liễu (có hoặc không tăng bạch cầu ái toan). Chẩn đoán cũng cần được xem xét ở những bệnh nhân bị nhiễm trùng toàn thân do các sinh vật đường ruột mà không có nguyên nhân rõ ràng
Cận lâm sàng
- Phân :
- Soi phân : Có thể tìm thấy ấu trùng hoặc trứng giun (khi tiêu chảy ồ ạt).
- Dùng kỹ thuật Baermann để tăng độ nhạy: Mẫu phân tìm ấu trùng được ủ trong nước ấm rồi dùng thạch lỏng li tâm phát hiện.
- Hút dịch tá tràng để tìm ấu trùng giun lươn.
- Sự tăng giảm bạch cầu ái toan để theo dõi tiến trình của bệnh và đánh giá khả năng tự nhiễm lại.
- Xét nghiệm ELISA có độ nhạy và đặc hiệu cao nhưng độ tin cậy lại tùy vào phòng xét nghiệm. Kháng thể vẫn tồn tại nhiều năm sau điều trị thành công và cũng có thể (-) giả ở trường hợp bệnh nhân suy giảm miễn dịch.
- Chẩn đoán hình ảnh: Tổn thương phổi có thể thâm nhiễm, dạng nốt, viêm phổi hay phù phổi.
Điều trị bệnh giun lươn
Đối với bệnh nhân nhiễm giun lươn không biến chứng, ưu tiên điều trị bằng Ivermectin:
- Đối với bệnh nhân không suy giảm miễn dịch, ưu tiên chế độ một liều hoặc hai liều (200 mcg / kg mỗi ngày trong một hoặc hai ngày).
- Đối với bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ưu tiên chế độ bốn liều (200 mcg / kg mỗi ngày trong hai ngày, lặp lại sau hai tuần.
Hiệu quả của Ivermectin (200mcg/kg mỗi ngày trong một hoặc hai ngày) đã được chứng minh là cao hơn Albendazole (400mg hai lần một ngày trong ba đến bảy ngày) và tương đương với Thiabendazole (25mg/kg mỗi ngày trong ba ngày).
Thời gian điều trị đối với giun lươn được khuyến cáo là 2 tuần. Thời gian điều trị có thể lâu hơn đối với những bệnh nhân bị ức chế miễn dịch dai dẳng. Tuy nhiên, các loại thuốc này cần được kiểm soát kỹ lưỡng bởi bác sĩ, điều trị cho từng bệnh nhân khác nhau. Đối với những người suy gan, suy thận thì cần thận trọng khi điều trị nhiễm giun lươn.
Các biện pháp phòng bệnh giun lươn
Điều trị giun lươn sẽ mất nhiều thời gian và chi phí, do vậy, việc phòng bệnh hơn chữa bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu. Mỗi người nên lưu ý các vấn đề dưới đây để hạn chế nhiễm bệnh, tái nhiễm bệnh và lây bệnh trong cộng đồng:
- Tẩy giun định kỳ 3 – 6 tháng/ lần.
- Vệ sinh cá nhân: Xây dựng nếp sống văn minh, thực hiện rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, khi chuẩn bị nấu ăn, sau khi đi vệ sinh, hạn chế ăn rau sống.
- Sử dụng bảo hộ lao động (găng tay, ủng) đối với công việc có tiếp xúc với đất, đặc biệt là khu vực đất có phân người.
- Nâng cao, tăng cường sức đề kháng của cơ thể: ăn uống lành mạnh, khoa học, đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng. Thường xuyên rèn luyện thể dục thể thao, không thức khuya,…
- Nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh cộng đồng, xây dựng hệ thống cống rãnh và xử lý nước thải đảm bảo tiêu chuẩn.
- Vệ sinh phòng dịch một cách chặt chẽ, nghiêm túc, thực hiện quản lý tốt phân, nước và rác thải. Vệ sinh môi trường khu vực trong nhà, xung quanh nhà các khu vực vui chơi của trẻ nhỏ.
Xin lưu ý: Thông tin trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Độc giả vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể và chính xác nhất.