Tổng quan chung
Triệu chứng
Nguyên nhân
Đối tượng nguy cơ
Chuẩn đoán
Phòng ngừa bệnh
Cách điều trị
Bệnh Celiac là gì? Những điều cần biết về bệnh
Tổng quan chung: Bệnh Celiac là gì?
Bệnh celiac hay còn gọi là bệnh không dung nạp Gluten. Là tình trạng dị ứng gluten ở đường ruột, không cho cơ thể hấp thu các thực phẩm có chứa gluten. Gluten là các protein khác nhau được tìm thấy trong lúa mì được sử dụng làm bánh mì, mì ống spaghetti, nui và trong các loại ngũ cốc khác như lúa mạch và lúa mạch đen.
Bệnh Celiac dẫn đến tình trạng viêm và bất sản niêm mạc ruột non gây ra hàng loạt các rối loạn tiêu hóa, giảm khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng tại ruột non.
Bệnh có thể gặp ở nhiều độ tuổi hay có thể xuất hiện sớm khi còn nhỏ và thường liên quan đến các bệnh lý tự miễn khác như tiểu đường type 1, viêm tuyến giáp tự miễn…
Các triệu chứng của bệnh Celiac
Những triệu chứng phổ biến thường gặp ở bệnh nhân khi bị dị ứng với Gluten bao gồm:
- Đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phân có mùi hôi bất thường kèm bọt.
- Táo bón
- Sụt cân, chậm tăng trưởng ở trẻ nhỏ.
- Phụ nữ: kinh nguyệt không đều, khó thụ thai.
- Suy nhược cơ thể, mệt mỏi, da xanh sao.
- Viêm da dạng Herpes ( mụn rộp) , viêm loét niêm mạc miệng.
- Kém hấp thu Canxi và vitamin D có thể giảm hàm lượng khoáng chất vào xương hoặc loãng xương.
- Một tỷ lệ nhỏ có đông máu bất thường do thiếu vitamin K và có nguy cơ chảy máu bất thường.
- Không dung nạp lactose (giảm tiêu hóa các sản phẩm từ sữa) là triệu chứng khá phổ biến.
Thông thường các triệu chứng xuất hiện ở người lớn thường ít hơn trẻ em, do đó bác sĩ chẩn đoán bệnh, dựa vào các phương pháp xét nghiệm máu. Bác sĩ cũng khuyến cáo khi bạn gặp các triệu chứng được kể ở trên hoặc các vấn đề liên quan về đường tiêu hóa trên 2 tuần thì nên đến các cơ sở khám chữa bệnh , để tìm ra nguyên nhân, có hướng điều trị sớm và kịp thời.
Nguyên nhân gây bệnh
Nguyên nhân chính gây ra bệnh Celiac chính là dị ứng với gluten. Khi bệnh nhân sử dụng các thức ăn có chứa gluten, hệ thống miễn dịch của cơ thể phản ứng thái quá với gluten trong thực phẩm, phản ứng này sẽ làm hỏng các phần nhô ra nhỏ như sợi tóc (nhung mao) nằm dọc theo ruột non. Chính vì vậy, sẽ làm giảm hấp thu các chất dinh dưỡng trong ruột non, tình trạng kéo dài, khiến cơ thể bạn dễ bị suy dinh dưỡng.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh Celiac
Bệnh thường xuất hiện lần đầu ở trẻ em, khi lần đầu sử dụng các thực phẩm có chứa gluten. Đây là bệnh lý có yếu tố di truyền, nên trong gia đình có người mắc bệnh Celiac, thì một số ít thành viên trong gia đình sẽ có nguy cơ mắc bệnh.
- Người có hội chứng Turner hoặc Down
- Bệnh viêm khớp dạng thấp
- Bệnh Đái tháo đường type 1
- Bệnh tuyến giáp tự miễn
- Viêm đại tràng vi thể: Đây là tình trạng viêm ruột già và gây tiêu chảy kéo dài.
Chẩn đoán bệnh
Khi đi khám, các bác sĩ sẽ hỏi triệu chứng của bạn, tiền sử bản thân và gia đình, đề nghị làm các xét nghiệm để tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy bạn có thể mắc bệnh Celiac. Chẩn đoán thường được thực hiện bằng kết hợp các xét nghiệm kháng thể máu và sinh thiết ruột. Trong một số trường hợp bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm di truyền cụ thể, để giúp việc chẩn đoán hoặc loại trừ bệnh Celiac.
Phòng ngừa bệnh Celiac
Những cách bạn có thể thực hiện để phòng ngừa bệnh Celiac:
- Tránh tất cả các loại thực phẩm có chứa lúa mì, lúa mạch hoặc lúa mạch đen.
- Đọc kỹ tất cả các nhãn thực phẩm và thành phần để phát hiện gluten: Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng cho bạn lời khuyên bổ sung, và cách phát hiện gluten có trong sản phẩm.
- Trái cây, rau, trứng, đậu, cá, thịt gia cầm, các loại hạt là thực phẩm tốt cho sức khỏe và không chứa gluten.
- Bổ sung vitamin và khoáng chất: Nếu tình trạng thiếu máu hoặc thiếu hụt dinh dưỡng của bạn nghiêm trọng, bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể khuyên bạn nên dùng thực phẩm bổ sung, viên uống vitamin bổ sung.
- Tránh tiêu thụ lượng iốt cao thông qua thực phẩm hoặc thuốc bổ sung. Một lượng lớn iot có thể gây ra bệnh tuyến giáp tự miễn, có thể dẫn đến bệnh Celiac.
Điều trị bệnh
Hiện nay, phương pháp điều trị chính được các bác sĩ sử dụng để điều trị bệnh Celiac chính là điều chỉnh chế độ ăn của người bệnh, tránh các thức ăn có chứa gluten như ngũ cốc, lúa mì và lúa mạch.
Khi bạn ngừng không sử dụng những thức ăn có chứa gluten thì ruột non sẽ mau lành và hấp thu các chất dinh dưỡng trở lại. Tuy nhiên bạn phải ăn kiêng thức ăn có chứa gluten, một cách nghiêm ngặt để tránh, làm tổn thương đến ruột non một lần nữa.
- Bổ sung dinh dưỡng.
- Các loại thuốc để điều trị viêm da dạng herpes.
- Corticosteroid cho chứng viêm nặng không đáp ứng đủ nhanh với chế độ ăn kiêng.
- Chăm sóc theo dõi liên tục, bao gồm các xét nghiệm để biết đươc bệnh đã được kiểm soát.
Kết luận
Bệnh Celiac là một bệnh lý tiêu hóa nghiêm trọng, nhưng bạn hoàn toàn có thể kiểm soát và sống khỏe mạnh nếu tuân thủ chế độ ăn uống không chứa gluten. Việc hiểu rõ các triệu chứng, nguyên nhân và phương pháp điều trị sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc chăm sóc sức khỏe của mình. Đừng ngần ngại tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên gia y tế và dinh dưỡng để có một chế độ ăn uống phù hợp và đảm bảo cơ thể luôn nhận đủ các dưỡng chất cần thiết.